Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc gay gắt thể hiện quan điểm trái chiều trong cuộc gặp song phương trực tiếp đầu tiên, được mô tả là "căng thẳng từ những phút đầu".
Mở màn phiên đối thoại 2 ngày tại bang Alaska - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 18-3 chỉ trích các chính sách của quốc gia đối phương. Theo AP, cuộc gặp này là một thách thức mới trong quan hệ 2 nước, vốn leo thang căng thẳng vì hàng loạt vấn đề từ thương mại, nhân quyền đến đại dịch Covid-19 và sự ngang ngược gia tăng của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngoại trưởng Blinken tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chung sức với đồng minh để chống lại chủ nghĩa bá quyền và hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở trong nước lẫn quốc tế. Đáp lại, ông Dương tung ra hàng loạt chỉ trích nhằm vào Mỹ, đồng thời cáo buộc Washington "đạo đức giả" khi chỉ trích Bắc Kinh về nhân quyền và những vấn đề khác.
"Hành động của Trung Quốc đe dọa trật tự thế giới dựa trên luật pháp vốn duy trì ổn định toàn cầu. Vì thế, chúng không đơn thuần là vấn đề nội bộ và chúng tôi buộc phải đề cập trong cuộc họp hôm nay" - Ngoại trưởng Blinken nói về hành vi của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan, cũng như về các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và hành động bắt nạt kinh tế với các đồng minh của Mỹ.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đàm phán hôm 18-3 tại bang Alaska - Mỹ Ảnh: REUTERS
Tiếp nối lời chỉ trích của Ngoại trưởng Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Trung Quốc đã tấn công "các giá trị cơ bản", đồng thời nhấn mạnh Washington không tìm kiếm xung đột nhưng sẵn sàng "đứng lên vì các quy tắc, công dân và bạn bè" của họ.
"Trung Quốc sẽ không chấp nhận những cáo buộc vô căn cứ từ Mỹ" - ông Dương nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo những diễn biến gần đây đã đẩy quan hệ Washington - Bắc Kinh "vào một giai đoạn khó khăn chưa từng có", khiến lợi ích 2 nước bị tổn hại.
Bộ trưởng Vương Nghị cáo buộc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự và tài chính để gây sức ép lên các nước, cũng như lợi dụng cụm từ "an ninh quốc gia" để cản trở các hoạt động thương mại bình thường và xúi giục một số quốc gia tấn công Trung Quốc.
Kể từ khi Tổng thống Biden đắc cử, Bắc Kinh đã thể hiện mong muốn tái khởi động quan hệ Mỹ - Trung. Ngay khi thông tin về cuộc họp nêu trên được hé lộ, đã có một mức độ lạc quan nhất định rằng đây có thể là điểm khởi đầu cho mối quan hệ mới của 2 nước, đặc biệt là khi quá trình đàm phán song phương gần như sụp đổ trong năm cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích James Griffiths của đài CNN, những diễn biến trong cuộc họp nêu trên cho thấy Mỹ và Trung Quốc dường như đều không muốn thỏa hiệp, khiến khả năng đạt được những bước tiến thực sự trong quan hệ 2 nước bị sụt giảm.
Song song với cuộc họp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 19-3 đến Ấn Độ trong một nỗ lực nhằm thành lập liên minh chống lại sự ngang ngược gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
New Delhi tiến gần hơn đến Washington sau khi căng thẳng giữa họ với Bắc Kinh leo thang vì xung đột biên giới trên dãy Himalaya, nơi các cuộc giao tranh chết chóc tiếp tục nổ ra vào năm ngoái.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)