Tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc gặp nhiều trở lực

Chủ nhật, 21 Tháng 3 2021 07:17 (GMT+7)
Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 vừa được công bố, Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của “Con đường tơ lụa Bắc Cực”, xem đây là thành phần của Sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)”, đồng thời kêu gọi đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Bắc Băng Dương cũng như Nam Cực.
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc tại Bắc Cực. Ảnh: Telegraph
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc tại Bắc Cực. Ảnh: Telegraph
 
Kế hoạch nêu ra những lợi ích mà Trung Quốc đạt được trong phát triển khoa học tại các khu vực trên, qua đó liên kết tính hiệu quả của các nghiên cứu tại khu vực với công tác thăm dò biển sâu cùng với sứ mệnh mở rộng không gian. Kế hoạch cho rằng việc “hợp tác thiết thực” ở Bắc Cực sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Trung Quốc và việc xây dựng “Con đường tơ lụa Bắc Cực” là một phần của chiến lược phát triển “quan hệ đối tác xanh”. Đáng chú ý, Bắc Kinh cũng có ý định tham gia vào công tác “bảo vệ và sử dụng” Nam Cực.
 
Từ lâu, nghiên cứu Bắc Cực đóng vai trò quan trọng đối với tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc. Ngoài việc biết được tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, nền kinh tế và thời tiết của Trung Quốc, nghiên cứu về Bắc Cực có thể hỗ trợ về mặt hậu cần quân sự và góp phần vào việc phát triển công nghệ quân sự.
 
Cơ hội thành lập các trạm nghiên cứu gần Vòng Bắc Cực của Trung Quốc dường như đang bị thu hẹp trong bối cảnh 5 trong số 8 quốc gia Bắc Cực là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ngày càng miễn cưỡng cho phép Bắc Kinh đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Tuy Greenland, đảo tự trị thuộc Đan Mạch, nhìn chung hoan nghênh sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh ủng hộ nỗ lực giành độc lập của đảo này từ Copenhagen, nhưng kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu của Trung Quốc tại đây không thành hiện thực. Ngoài ra, Đan Mạch hồi năm 2016 còn ngăn nỗ lực mua một căn cứ hải quân bị bỏ hoang ở Greenland của Trung Quốc. Đảo Greenland là nơi đặt Căn cứ không quân Thule - căn cứ nằm trên vĩ tuyến cao nhất của quân đội Mỹ.
 
Không dễ “quyến rũ” Phần Lan
 
Không tìm được đường vào Greenland, Trung Quốc dường như coi Phần Lan  là đối tác khả thi nhất  ở Bắc Cực. Quan hệ Trung Quốc - Phần Lan phát triển một cách tốt đẹp trong suốt 70 năm quan hệ ngoại giao và 2 nước dường như không có xung đột nào đáng kể, làm dấy lên nghi vấn rằng liệu Bắc Kinh đang cố gắng tận dụng “mối quan hệ đặc biệt với Helsinki” và lập trường trung lập của Phần Lan để giành quyền tiếp cận Bắc Cực?
 
Tuy nhiên, một trong những nơi mà Bắc Kinh lựa chọn để tiếp cận Bắc Cực nói trên lại ngày càng tỏ ra nghi ngờ đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Theo Công ty truyền thông Yle của Phần Lan, Viện Nghiên cứu Bắc Cực của Trung Quốc hồi năm 2018 đã ra sức mua hoặc thuê sân bay gần thị trấn Kemijärvi, phía Bắc Phần Lan, để có thể đưa các chuyến bay nghiên cứu qua Bắc Cực cũng như các nơi khác tại khu vực. Tuy nhiên, Lực lượng Phòng vệ Phần Lan đã nhanh chóng ngăn chặn thương vụ này vì lý do an ninh, bởi sân bay nằm gần trường bắn Rovajärvi. Nếu ý định của Trung Quốc thành hiện thực, Bắc Kinh sẵn sàng chi hơn 40 triệu euro để mở rộng đường băng sân bay để có thể chứa các máy bay hạng nặng. Bên cạnh đó, các tòa nhà sân bay cũng như nhiều cơ sở nghiên cứu mới sẽ được xây dựng, giúp củng cố nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa “Con đường tơ lụa Bắc Cực” trở thành một phần của BRI.
 
Ngoài đề xuất mua sân bay nói trên, các nhà đầu tư Trung Quốc còn tham gia vào kế hoạch xây dựng Hành lang Bắc Cực - tuyến đường sắt nối thành phố Rovaniemi (Phần Lan) với thị trấn Kirkenes (Na Uy). Ở phía Nam Phần Lan, Tập đoàn Touchstone Capital Partners của Trung Quốc còn bày tỏ mong muốn đầu tư phát triển đường hầm đường sắt dưới biển dài nhất thế giới nối thủ đô Helsinki và thủ đô Tallinn (Estonia). Song, các khoản đầu tư của Trung Quốc có vẻ đang bị Phần Lan giám sát chặt chẽ. Phần Lan một mặt giữ thái độ ôn hòa và nhã nhặn đối với Trung Quốc, mặt khác lặng lẽ liên kết với các nước phương Tây đối đầu với Bắc Kinh. Tuy không trực tiếp nhắm mục tiêu 2 “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc là Huawei và ZTE, dự luật 5G của Helsinki đã gây lo ngại đáng kể cho các công ty viễn thông đất nước tỉ dân.
 
Vai trò nào của Trung Quốc?
 
Ước tính, Bắc Cực đang có tới 1/4 trữ lượng dầu khí chưa được khai thác của toàn cầu. Chỉ riêng mỏ khí đốt Shtokmanov ở biển Baransevo nếu được khai thác sẽ đủ cho cả thế giới dùng trong một năm. Tại đây cũng có trữ lượng đáng kể về thủy sản, lâm sản, than, nikel, kẽm, đồng, platin, kim cương và nước ngọt…Mặc dù thời tiết lạnh lẽo bao trùm Bắc Cực suốt năm, nhưng số dân cư trú trên vùng lãnh thổ mênh mông này lên tới 4 triệu người.
 
Hiện nay, theo luật pháp quốc tế, không một quốc gia nào được sở hữu Bắc Cực và vùng đất liền nằm gần lãnh thổ của mình. Theo Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc, quyền lợi của 5 quốc gia có lãnh thổ nằm trên Bắc Cực là Nga, Canada, Na Uy, Mỹ (sở hữu Alaska) và Đan Mạch được giới hạn bởi các khu kinh tế cách bờ biển 2.000 hải lý (tương đương 370km). Và theo truyền thống, Bắc Cực được quản lý bởi một cơ quan gồm 8 quốc gia được gọi là Hội đồng Bắc Cực, bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ. Những nước này đều có chủ quyền với các vùng đất trong Vòng cực Bắc và có quyền quyết định với các chính sách quản lý khu vực này.
 
Trong khi đó, vào tháng 1-2018, Trung Quốc công bố sách trắng Bắc Cực đầu tiên, cho rằng các vấn đề của Bắc Cực giờ đây “vượt ra ngoài các quốc gia trong Vòng cực Bắc hoặc bản chất của khu vực”, đồng thời nhấn mạnh những gì xảy ra trong khu vực có “ảnh hưởng quan trọng đến lợi ích của các quốc gia bên ngoài khu vực và lợi ích của toàn bộ cộng đồng quốc tế”. Bắc Kinh lập luận việc băng tan ở Bắc Cực sẽ mở ra các tuyến đường biển và cho phép tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên, do đó nâng tầm các giá trị chiến lược và kinh tế của vùng này. Trung Quốc tuyên bố nước này về mặt địa lý là “quốc gia cận Bắc Cực” và do đó là “một bên liên quan quan trọng trong các vấn đề Bắc Cực”.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ tuyên bố trên của Trung Quốc và cho rằng chỉ có “các quốc gia ở Bắc Cực” và “các quốc gia không thuộc Bắc Cực”. Với sự phân biệt rạch ròi này, Mỹ không chấp nhận tuyên bố của Bắc Kinh là một “quốc gia cận Bắc Cực”. Ngay cả Nga, dù có quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển nhanh với Trung Quốc, cũng không muốn Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực, nơi được coi có phần “sân sau” quan trọng của Mát-xcơ-va.
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới