Công nghiệp chip Hàn Quốc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc

Chủ nhật, 28 Tháng 3 2021 20:31 (GMT+7)
Hàn Quốc từ lâu phụ thuộc vào Mỹ về đảm bảo an ninh và phụ thuộc Trung Quốc về thương mại. Hiện Seoul đang tìm cách để có thể làm sao “vẹn cả đôi đường”, vừa không làm mếch lòng Washington vừa không khiến Bắc Kinh phật lòng. Song, nỗ lực của Seoul được cho khó thực hiện được khi mà căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Xưởng sản xuất M14 của Công ty SK Hynix. Ảnh: Bloomberg
Xưởng sản xuất M14 của Công ty SK Hynix. Ảnh: Bloomberg
 
Theo Bloomberg, ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến của Hàn Quốc “hốt bạc” khi nhu cầu về hàng điện tử tiêu dùng tăng vọt trong thời gian nổ ra đại dịch COVID-19.
 
Theo đó, xuất khẩu của Hãng điện tử Samsung Electronics hay Công ty SK Hynix đạt mức cao nhất kể từ năm 2018. Tuy nhiên, trong bối cảnh chip trở thành trung tâm của cuộc xung đột Mỹ - Trung, Seoul có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề nếu sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng dưới thời Tổng thống Joe Biden.
 
Tập đoàn Intel (Mỹ) mới đây tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất chip tiên tiến, phù hợp với mục tiêu giành lại vị trí dẫn đầu về công nghệ của chính quyền ông Biden, qua đó cho thấy sự cạnh tranh với Trung Quốc sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
 
Giới phân tích cho rằng sự bất đồng kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh đặt ra tình thế khó xử cho các đồng minh Mỹ trên khắp châu Á. Tổng thống Biden không ngừng kêu gọi đồng minh đưa ra lập trường thống nhất chống lại Trung Quốc.
 
Trong đó, Hàn Quốc, với vai trò là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, rơi vào tình huống cực kỳ khó xử, vừa phải làm sao duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc - điểm đến của khoảng 1/3 lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc, vừa phải không làm phật lòng Mỹ - nơi bảo vệ Hàn Quốc khỏi các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên. Đây là lý do khiến Hàn Quốc từ chối tham gia với Mỹ lên án vấn đề nhân quyền của Trung Quốc tại Tân Cương.
 
Trong khi đó, Kim Young-ho, nhà lập pháp Hàn Quốc cho rằng nếu nước này chống lại Trung Quốc sẽ thúc đẩy Bắc Kinh gần gũi hơn với Bình Nhưỡng. “Tôi nghĩ rằng Washington hiểu điều đó và chia sẻ lo ngại của chúng tôi”, ông Kim bình luận.
 
Vì thế, dù Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã thuyết phục thành công Nhật Bản đứng về phía Mỹ trong nỗ lực chống Trung Quốc trong chuyến công du cấp cao đầu tiên của chính quyền Joe Biden, nhưng “mối đe dọa Trung Quốc” do 2 đặc phái viên cấp cao của Mỹ đưa ra có lẽ khó được Hàn Quốc hưởng ứng.
 
Các nhà quan sát Trung Quốc dự đoán và lưu ý rằng Hàn Quốc, nước dựa vào Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, sẽ được coi là “mắt xích yếu” trong chiến lược bao vây Bắc Kinh của Washington ở khu vực.
 
Mặt khác, quan điểm của giới lãnh đạo Mỹ về chất bán dẫn còn mơ hồ, làm dấy lên suy đoán rằng Hàn Quốc khó chấp nhận hợp tác với Washington nhằm ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận chip và thiết bị tiên tiến.
 
Các  tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã thể hiện rõ lập trường không muốn bị dính vào cuộc chiến chính trị và kinh tế giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 
Samsung đang xem xét chi 17 tỉ USD xây dựng nhà máy chế tạo chất bán dẫn tiên tiến tại bang Texas. Trong khi đó hồi năm ngoái, tập đoàn này đã đưa vào hoạt động nhà máy chế tạo thứ 2 tại thành phố Tây An, quê hương của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tập đoàn SK Hynix cũng đã thông báo kế hoạch mua lại các cơ sở của Intel  tại thành phố Đại Liên với giá 9 tỉ USD.
 
Một quan chức thương mại cấp cao ở Seoul nói rằng Hàn Quốc không thể để mất một trong hai thị trường này do nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu của họ. Kịch bản tốt nhất, theo quan chức này, là xung đột Mỹ-Trung không xấu đi thêm.
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới