Quan hệ Nga - phương Tây “chạm đáy”

Thứ bảy, 03 Tháng 4 2021 07:36 (GMT+7)
Nhận định được Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (ảnh) đưa ra trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 1-4, kèm theo đó là lời kêu gọi Mỹ cùng đồng minh nên nhận thức các rủi ro để tránh có thêm hành động khiêu khích.
 Ảnh: kyivpost
Ảnh: kyivpost
 
Cách nay hai tuần, Nga đã triệu hồi đại sứ nước này tại Mỹ để tham vấn về mối quan hệ song phương “đang lún sâu vào khủng hoảng”. Việc gọi đại sứ Anatoly Antonov về nước diễn ra ngay sau khi cuộc phỏng vấn Tổng thống Mỹ Joe Biden được phát trên Đài ABC News. Trong đó, ông Biden nói rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải “trả giá” vì đã chỉ đạo can thiệp cuộc bầu cử tổng thống xứ cờ hoa năm 2020. Chủ nhân Nhà Trắng còn mạnh mẽ chỉ trích người đứng đầu Điện Kremlin là “kẻ sát nhân” liên quan nghi án nhân vật đối lập Alexei Navalny bị đầu độc.
 
Phát biểu hôm 1-4, Ngoại trưởng Lavrov cho biết bình luận “kinh khủng” của Tổng thống Biden đã buộc Mát-xcơ-va suy nghĩ lại về mối quan hệ với Washington. Đại diện ngoại giao Nga đồng thời lấy làm tiếc khi Nhà Trắng từ chối đề nghị của Tổng thống Putin về một cuộc tranh luận công khai với ông Biden nhằm tháo gỡ mâu thuẫn. “Đối đầu đã chạm đáy. Dù vậy, vẫn hy vọng tất cả họ nhận thức được những rủi ro có thể kích động căng thẳng. Tôi mong sự khôn ngoan sẽ thắng” - ông Lavrov nhấn mạnh. Về thời điểm đại sứ Nga trở lại Washington, Ngoại trưởng Lavrov cho biết việc này tùy thuộc vào quyết định của Tổng thống Putin.
 
Theo giới quan sát, quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tụt dốc và xuống mức thấp nhất tính từ Chiến tranh Lạnh sau khi Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Nga tiếp đến còn bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng, bắt giam và đầu độc lãnh đạo đối lập Navalny.
 
Đáp lại, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định chính sách gây áp lực và trừng phạt mà Mỹ đang theo đuổi chống lại Nga hoàn toàn “không có khả năng thành công”. Về cơ hội đối thoại nghiêm túc, ông Lavrov cho rằng sẽ khó thực hiện một khi Washington còn cố đổ lỗi cho đối phương về hậu quả từ những chính sách vô lý của mình. Đối với EU, Ngoại trưởng Nga cho rằng khối này cần nhìn lại trách nhiệm vì những rạn nứt quan hệ hiện nay; đồng thời phủ nhận cáo buộc Mát-xcơ-va lợi dụng nguồn cung khí đốt làm đòn bẩy chính trị hoặc ý đồ chia rẽ các nước thành viên. Liên quan việc thắt chặt bang giao với Bắc Kinh, ông Lavrov nhấn mạnh Nga và Trung Quốc không muốn tạo dựng liên minh quân sự theo mô-típ cũ như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay lập mặt trận chống lại phương Tây.
 
Đánh giá quan hệ Nga - Mỹ, Phó Giáo sư Diao Daming tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) dự đoán chính quyền Biden sẽ không sớm thay đổi quan điểm cứng rắn đối với Nga. Mặc dù cả hai đã đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), diễn biến này chỉ cho thấy họ có thể hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng nhưng “cài đặt lại” quan hệ song phương lại là chuyện khác. Thậm chí, Giáo sư quan hệ quốc tế Wu Dahui ở Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nói rằng việc Nga triệu hồi đại sứ và không ấn định ngày trở lại cho thấy Điện Kremlin đã chuẩn bị tinh thần cho kịch bản tệ nhất là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ.
 
Hôm 1-4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định các đợt di chuyển khí tài quân sự và gia tăng lực lượng gần đây của Nga ở dọc biên giới Ukraine cùng bán đảo Crimea chỉ là hoạt động phòng thủ, không phải mối đe dọa với bất kỳ ai. Tuyên bố nhằm bác bỏ cảnh báo trước đó của phương Tây về sự gia tăng rõ ràng các hành động “hung hăng, khiêu khích” của Nga ở miền Đông Ukraine.
 
MAI QUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới