Ví điện tử nhận dạng
Hậu Covid-19 cũng là thời điểm EU tăng cường tích hợp nội khối thông qua một công cụ có tên gọi là ví điện tử nhận diện châu Âu. Được Ủy ban châu Âu (EC) giới thiệu vào ngày 3-6, theo hãng tin Bloomberg, ví điện tử nhận dạng sẽ giúp 450 triệu dân trong khối tiếp cận hàng loạt dịch vụ trên khắp EU.
Nói nôm na, ví này cho phép công dân EU tự nhận diện họ trên phương diện kỹ thuật số, đồng thời lưu trữ các dữ liệu nhận diện và giấy tờ chính thức như bằng lái xe, toa thuốc hay bằng cấp giáo dục.
Cụ thể hơn, với loại ví có hình thức ứng dụng điện thoại này, công dân EU có thể thuê xe hơi bên ngoài nước mình, chứng minh tuổi tác, đăng ký các khoản vay, mở tài khoản ngân hàng, kê khai thuế hoặc ghi danh đại học. EU đặt mục tiêu cho ra mắt bộ dụng cụ kỹ thuật số trước tháng 10-2022 để hỗ trợ ví điện tử nhận dạng.
Nhiều nước thành viên EU đã có các phương thức nhận dạng kỹ thuật số riêng nên ứng dụng mới nêu trên sẽ tương tác với các hệ thống hiện hữu sao cho công dân EU có quyền sử dụng các dịch vụ được công nhận trên toàn khối. Dù mang lại nhiều tiện ích như thế song ví điện tử nhận dạng này không mang tính bắt buộc.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban giới thiệu thẻ tiêm chủng Covid-19 của Hungary cho giới truyền thông sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London hôm 28-5. Ảnh: REUTERS
Một trong những dấu ấn số hóa mang tính thời sự tại châu Âu hiện nay chính là chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Hôm 1-6, bảy nước Liên minh châu Âu (EU) - gồm Đức, Hy Lạp, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Croatia và Ba Lan - đã khởi động một hệ thống chứng nhận tiêm phòng Covid-19 dành cho việc đi lại nội khối.
Với kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, Hy Lạp đi đầu đẩy mạnh một chứng nhận tiêm chủng chung, trong đó dùng mã QR với nhiều tính năng an ninh hiện đại. Chứng nhận này được cấp cho những ai đã tiêm đầy đủ các loại vắc-xin Covid-19 được EU cấp phép, những người đã mắc bệnh và có kháng thể cũng như những ai có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến nơi.
Có giá trị tại tất cả 27 quốc gia EU, chứng nhận sẽ có cả hai dạng kỹ thuật số và giấy, được cấp miễn phí và sử dụng ngôn ngữ bản xứ của người nhận kèm theo tiếng Anh, theo AP.
Ra khỏi biên giới EU
"Công dân EU đang trông đợi được du lịch trở lại và họ muốn làm điều đó một cách an toàn. Chứng nhận tiêm phòng Covid-19 của EU là một bước đi then chốt của tiến trình này" - Ủy viên Y tế EU, bà Stella Kyriakides, đúc kết.
Bộ trưởng Quản lý số Hy Lạp Kyriakos Pierrakakis nhấn mạnh tầm quan trọng của việc EU áp dụng tiêu chuẩn xác minh mới. "Điều cần làm là các nước ngừng cấp giấy chứng nhận theo quy định của riêng nước mình và sử dụng chuẩn chung. Như vậy, mọi việc sẽ trở nên đơn giản đáng kể, trước hết là tránh được rất nhiều thỏa thuận song phương giữa các nước liên quan" - ông Pierrakakis trao đổi với đài truyền hình Skai.
Dự kiến ngày 1-7 tới hệ thống chứng nhận tiêm phòng Covid-19 này sẽ được triển khai ở toàn bộ 27 nước thành viên EU. Theo ông Kyriakides, trong những tuần tới, các nước EU cần "hoàn thiện hệ thống cấp, lưu trữ và xác minh chứng nhận để hệ thống kịp vận hành đúng mùa du lịch".
Trong khi đó, theo đài CNN, chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số của EU có thể được mở rộng cho những du khách quốc tế không phải là công dân EU dựa theo thỏa thuận với một nước thành viên EU.
"Nếu bạn là người Mỹ không sống tại EU, bạn có thể đề nghị chính quyền của một nước thành viên EU cấp giấy chứng nhận dựa trên một số bằng chứng rằng bạn đã được tiêm chủng hoặc mới xét nghiệm Covid-19 gần đây" - người phát ngôn EC nói với CNN hôm 2-6. Cũng theo người phát ngôn này, EC đang đàm phán với Mỹ về một giấy chứng nhận do Mỹ cấp và được các nước EU chấp thuận là có giá trị tương đương.
HẢI NGỌC - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)