Hôm 30-6, Hãng tin Reuters cho biết hai bên đã tổ chức hội đàm trực tuyến Hiệp định khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA) sau 5 năm gián đoạn.
Người dân Thượng Hải theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình được phát trực tiếp. Ảnh: Bloomberg
Ðộng thái của Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ với Ðài Loan diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh về thương mại, quân sự, nhân quyền và tình hình Hong Kong vẫn chưa hạ nhiệt. Tháng rồi, Văn phòng Ðại diện Thương mại Mỹ cho biết quan điểm của nước này coi việc tiếp tục củng cố quan hệ thương mại với Ðài Bắc là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, giới quan sát không cho rằng các cuộc đàm phán TIFA sẽ dẫn tới một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Mỹ với Ðài Loan và càng không thể nói đây là sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden trước khả năng hòn đảo tuyên bố độc lập. Dù vậy, diễn biến trên nhất định “chọc giận” Trung Quốc vốn coi Ðài Loan là “lãnh thổ không thể tách rời” và “cực lực phản đối” bất kỳ quốc gia nào đối thoại kinh tế cùng Ðài Bắc.
Ông Tập quyết “tái thống nhất” Đài Loan
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Ðảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 1-7 tuyên bố sẽ hoàn tất tiến trình “tái thống nhất” Ðài Loan và cam kết đập tan bất kỳ nỗ lực nào hướng tới việc tìm kiếm độc lập chính thức cho vùng lãnh thổ này. “Giải quyết câu hỏi về Ðài Loan và hiện thực hóa tiến trình thống nhất đất nước giữa hòn đảo với đại lục là nhiệm vụ lịch sử không thể ngăn cản” - ông Tập tuyên bố.
Trước nay, Trung Quốc luôn coi Ðài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết khiến eo biển Ðài Loan có nguy cơ trở thành điểm nóng bùng phát xung đột quân sự. Ðặc biệt những năm gần đây, Bắc Kinh liên tục gia tăng sức ép với một loạt hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo, buộc vùng lãnh thổ này tăng cường đầu tư cho quân sự để đảm bảo khả năng phòng vệ. Năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường trong phiên họp quốc hội còn bỏ cụm từ “hòa bình” khỏi tuyên bố “tái thống nhất” Ðài Loan như truyền thống hàng chục năm qua. Nhưng trong phát biểu mới nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lặp lại cụm từ này khi kêu gọi người dân ở hai bờ eo biển đoàn kết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đập tan “mọi âm mưu đòi độc lập cho Ðài Loan”.
“Điểm nóng” nguy hiểm
Nói với Kênh tin tức CNBC, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd cho biết quân đội Trung Quốc nhiều năm qua đã chuẩn bị kỹ càng cho việc đưa Ðài Loan trở lại và Bắc Kinh có thể triển khai kế hoạch này trong những năm tiếp theo nếu đại hội đảng vào năm sau tái xác lập vị trí lãnh đạo của ông Tập. Viễn cảnh này đồng thời khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và nguy cơ xung đột quân sự có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào, các nhà quan sát chính trị cảnh báo.
Cựu Ðại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc Bilahari Kausikan cũng nhận định Ðài Loan là “điểm nóng” nguy hiểm nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc. Song, ông tin cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh và sẽ làm mọi cách có thể nhằm hạn chế rủi ro dẫn đến xung đột.
MAI QUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)