Cố vấn chính phủ của các nước New Zealand, Israel và Ý nằm trong số những người gióng lên hồi chuông cảnh báo về chính sách này. Thêm vào đó, hơn 1.200 nhà khoa học đã ủng hộ gửi một lá thư cho tạp chí Lancet cảnh báo quyết định của Anh có thể khiến các biến thể kháng vắc-xin Covid-19 phát triển.
Những người khác cảnh báo cách tiếp cận của chính phủ Anh sẽ bị các chính phủ khác bắt chước vì lý do chính trị.
Hàng ngàn người biểu tình ở thủ đô London hôm 27-6 để kêu gọi dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế. Ảnh: Shutterstock
Bức thư gửi cho tạp chí Lancet nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Anh tạm dừng kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào ngày 19-7".
Những lo ngại của các nước xuất hiện sau khi giáo sư Chris Whitty, giám đốc y tế của Anh, cảnh báo hôm 15-7 rằng số lượng người nhập viện vì Covid-19 có thể đạt đến mức "khá đáng sợ" trong vòng vài tuần. Nguyên nhân là do các ca bệnh tăng cao vì nhiều biến thể Delta dễ lây lan và việc dỡ bỏ các hạn chế.
Trong một hội thảo trên web vào cuối ngày 15-7, ông Whitty cho biết số ca bệnh phải nhập viện đã tăng lên gấp đôi vào mỗi 3 tuần. Ngoài ra, số ca nhập viện tương đối thấp hiện nay có thể tăng lên ở mức nghiêm trọng trong vài tháng tới.
Theo số liệu của chính phủ, các ca nhiễm Covid-19 ở Anh đang ở mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua và số người phải nằm viện hoặc tử vong vì Covid-19 cũng tăng vọt kể từ tháng 3. Vào ngày 16-7, Anh ghi nhận 51.870 ca nhiễm mới và 49 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên 5.332.371 ca, trong đó có 128.642 người tử vong.
Ngày 16-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất thực hiện giai đoạn hai của cuộc nghiên cứu về nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc, bao gồm việc kiểm tra các phòng thí nghiệm và chợ ở Vũ Hán, đồng thời kêu gọi sự minh bạch từ các cơ quan chức năng.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trình bày kế hoạch trên với các nước thành viên 1 ngày sau khi nói rằng các cuộc điều tra đang bị cản trở do thiếu dữ liệu thô về những ngày đầu tiên Covid-19 lây lan ở Trung Quốc.
Theo lời ông Ghebreyesus, giai đoạn 2 sẽ bao gồm việc nghiên cứu con người, động vật hoang dã và thị trường động vật ở Vũ Hán, bao gồm cả chợ Hoa Nam - nơi được xem là nguồn phát tán dịch.
Trong cuộc họp báo ngày 16-7, khi được hỏi về bình luận trước đó của ông Ghebreyesus về việc cần thêm dữ liệu từ Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết một số dữ liệu không thể sao chép hay được đưa ra khỏi Trung Quốc vì có liên quan tới thông tin cá nhân.
Bảo Hạnh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)