Theo hãng tin Tân Hoa xã, cuộc điện đàm sẽ diễn ra vào tối 18-3 (theo giờ Bắc Kinh), trong đó "quan hệ Trung Quốc - Mỹ và các vấn đề hai bên cùng quan tâm" sẽ được thảo luận.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các phóng viên hôm 17-3 rằng ông Biden dự kiến nói Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động nào mà họ thực hiện nhằm hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga và Mỹ sẽ không ngần ngại áp đặt lệnh trừng phạt.
Theo ông Blinken, Mỹ cho rằng Trung Quốc có trách nhiệm sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Vladimir Putin và bảo vệ các quy tắc cũng như nguyên tắc quốc tế mà nước này tuyên bố ủng hộ.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc điện đàm trực tuyến lần gần đây nhất là vào tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết cuộc điện đàm ngày 18-3 sẽ là cơ hội để Tổng thống Biden đánh giá vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bà Psaki nói thêm: "Chúng tôi đã nói rõ những quan ngại sâu sắc của Mỹ về sự liên kết giữa Trung Quốc với Nga và những tác động cũng như hậu quả tiềm tàng của điều đó. Tổng thống cũng sẽ nói về điều này trong cuộc điện đàm".
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung điện đàm trực tuyến lần gần đây nhất là vào tháng 11 năm ngoái. Nhà Trắng cho biết cuộc gọi ngày 18-3 là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo Straits Times, cuộc họp trực tuyến diễn ra ngay sau cuộc gặp hôm 14-3 giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì. Khi đó, ông Sullivan đã bày tỏ những lo ngại tương tự về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga tại cuộc họp kéo dài 7 giờ diễn ra ở Rome - Ý.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã điện đàm trong ngày 17-3.
Theo đài BBC, ông Ibrahim Kalin, cố vấn và phát ngôn viên hàng đầu của ông Erdogan, tiết lộ ông Putin nói rằng Nga sẽ chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukrainre nếu một số điều kiện được đáp ứng, trong đó có việc Ukraine cam kết là nước trung lập và không gia nhập NATO.
Nga cũng kêu gọi Ukraine giải trừ quân bị nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với Nga trong tương lai cũng như có các biện pháp bảo vệ hợp pháp đối với người nói tiếng Nga ở Ukraine. Cũng theo ông Kalin, Tổng thống Putin có thể mong chờ những cam kết khác liên quan đến "phi hạt nhân hóa" của Ukraine.