Thông tin trên được Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận hôm 26-6 và nhấn mạnh rằng hành động chung do Anh, Canada, Nhật Bản và Mỹ thực hiện "sẽ giáng đòn trực tiếp vào các nhà tài phiệt cũng như giới chức chính trị Nga".
Các lãnh đạo G7, gồm 7 nền kinh tế phát triển là Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Nhật Bản và Ý đang họp thượng đỉnh ở Bavaria - Đức. Tại đây, các cuộc đàm phán tập trung vào việc làm thế nào để giảm nguồn tài chính Nga dành cho chiến sự, đồng thời duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine.
Với vai trò trung tâm của London trên thị trường vàng quốc tế và hành động song song của Mỹ, Nhật Bản và Canada, "các lệnh trừng phạt sẽ tác động rất lớn đến nguồn tài chính của Nga dành cho chiến sự" - ông Boris Johnson nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2. Kể từ đó đến nay, phương Tây đã tung loạt đòn trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.
Những thỏi vàng nguyên chất tại một nhà máy kim loại ở TP Krasnoyarsk, Siberia, Nga năm 2018. Ảnh: Reuters.
Lệnh trừng phạt mới nhất của Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu vàng Nga trong nỗ lực làm tê liệt nền kinh tế Nga, nhằm đối phó chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, theo Reuters.
Xuất khẩu vàng trong năm 2021 của Nga đạt 15,5 tỉ USD và gần đây giới tài phiệt Nga đổ xô mua vàng để tránh tác động của lệnh trừng phạt.
"Chúng ta cần rút cạn nguồn tài chính của chính phủ Nga. Anh và các đồng minh của chúng tôi đang làm điều đó.
Biện pháp này sẽ có phạm vi toàn cầu, đưa hàng hóa này ra khỏi thị trường quốc tế chính thức" - Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.
Lệnh cấm được áp dụng đối với vàng mới khai thác hoặc tinh chế nhưng không ảnh hưởng đến vàng có xuất xứ từ Nga được nhập khẩu trước đây. Các nhà lãnh đạo G7 cũng không có kế hoạch mở rộng hạn chế đối với vàng được mua hợp pháp từ trước đó.