Các nước châu Á chạy đua nhập nhiên liệu từ Nga

Thứ sáu, 19 Tháng 8 2022 15:12 (GMT+7)
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Bộ Kinh tế Nga mới đây cho thấy nguồn thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng đã chạm mốc 337,5 tỉ USD trong năm nay, tăng 38% so với năm 2021.
 
Kết quả này là nhờ lượng dầu xuất khẩu cao hơn cộng với giá xăng dầu tăng.
 
Cũng theo dự báo của Bộ Kinh tế Nga, nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm còn 255,8 tỉ USD trong năm 2023 nhưng vẫn cao hơn mức 244,2 tỉ USD của năm 2021.
 
Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) cho biết lượng xăng dầu đang được tăng cường chuyển đến Trung Quốc nhưng không cung cấp chi tiết. Theo Reuters, Nga đang tìm kiếm khách hàng mới ở châu Á trước khi lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu có hiệu lực vào cuối năm nay.
 
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar Zaw Min Tun cho biết nước này có kế hoạch nhập khẩu xăng và dầu nhiên liệu từ Nga để xoa dịu nỗi lo thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng cao.
 
Theo truyền thông, các chuyến hàng dầu nhiên liệu đầu tiên sẽ được chuyển đến Myanmar vào tháng 9 tới. Quân đội Myanmar cũng đã thành lập Ủy ban Mua dầu của Nga để giám sát việc nhập khẩu và vận chuyển nhiên liệu với giá cả hợp lý dựa trên nhu cầu của nước này.
 
Giá xăng dầu tại Myanmar đã tăng khoảng 350% kể từ cuộc đảo chính vào tháng 2 năm ngoái, lên 2.300-2.700 kyat/lít (khoảng 1,1-1,29 USD).
 
Các nước châu Á chạy đua nhập nhiên liệu từ Nga - Ảnh 1.
Tàu chở dầu neo tại bến dầu thô Kozmino gần thành phố cảng Nakhodka - Nga hôm 12-8. Ảnh: REUTERS
 
Trong khi đó, Bộ Tài chính Nhật Bản hôm 17-8 thông báo đã nối lại hoạt động mua dầu của Nga vào tháng 7. Mặc dù không tiết lộ sản lượng cụ thể nhưng bộ này cho biết lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong tháng 7-2022 thấp hơn 65,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Nga cũng giảm 26,1% so với tháng 7-2021 trong khi lượng than nhập khẩu giảm 40,1%.
 
Dù giảm lượng nhưng giá trị xuất khẩu nhiên liệu của Nga sang Nhật vẫn tăng 45,1% so với năm ngoái do giá hàng hóa toàn cầu tăng. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda bảo đảm rằng Tokyo sẽ giảm dần phụ thuộc vào năng lượng Nga nhưng không thể diễn ra ngay lập tức.
 
Nhật Bản cũng ủng hộ kế hoạch của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) áp giá trần đối với dầu của Nga, vốn đang được thảo luận.
 
 

Bài viết mới nhất của Thế Giới