Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết ngày 12-10, nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 (bao gồm USS Ronald Reagan, tàu khu trục USS Shoup được trang bị hệ thống Aegis cùng các tàu chiến khác) tới căn cứ hải quân ở Busan, cách thủ đô Seoul 320 km về phía Đông Nam.
USS Ronald Reagan đến Hàn Quốc sau khi tham gia cuộc tập trận hàng hải ba bên Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản ở vùng biển quốc tế ngoài khơi một hòn đảo phía Nam Hàn Quốc hồi đầu tuần.
Theo một tuyên bố trước đó của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ ở lại cảng Busan cho đến ngày 16-10, như một phần của thỏa thuận song phương nhằm tăng cường "sự hiện diện thường xuyên" của các khí tài chiến lược của Mỹ tới bán đảo Triều Tiên.
Ngày 12-10, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng Busan. Ảnh: AP
Tuyên bố cũng cho biết USS Ronald Reagan là tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm Hàn Quốc trong năm nay, sau khi tàu sân bay USS Nimitz cập cảng Busan hồi tháng 3 để tập trận hải quân với Hàn Quốc.
Theo AP, sự xuất hiện của tàu USS Ronald Reagan có thể sẽ "chọc giận" Triều Tiên. Bình Nhưỡng coi việc triển khai khí tài quân sự lợi hại của Mỹ là mối đe dọa an ninh lớn.
Tàu USS Ronald Reagan thăm Hàn Quốc lần gần đây nhất là hồi tháng 9-2022. Khi tàu sân bay USS Ronald Reagan tổ chức các cuộc tập trận chung với các lực lượng Hàn Quốc ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên năm 2022, Triều Tiên cáo buộc điều này gây ra "tác động tiêu cực lớn đáng kể" đến an ninh khu vực và thực hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo.
Sự xuất hiện mới nhất của tàu sân bay Mỹ diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng Triều Tiên muốn dùng đạn dược để đổi lấy một số công nghệ vũ khí tối tân từ Nga, nhất là sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm vùng Viễn Đông của Nga vào tháng trước.
USS Ronald Reagan là tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm Hàn Quốc trong năm nay. Ảnh: AP
Cùng ngày 12-10, ông Kim Jong-un đã trao đổi thư với Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ song phương.
Trong thông điệp gửi tới nhà lãnh đạo Nga, ông Kim Jong-un cho biết ông "rất hài lòng" về "việc trao đổi ý kiến thẳng thắn và toàn diện" với ông Putin trong chuyến công du Nga. Đồng thời, ông Kim Jong-un bày tỏ niềm tin vững chắc rằng quan hệ song phương sẽ phát triển lên một tầm cao mới.
Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ông Kim Jong-un cũng hy vọng người dân Nga sẽ đánh bại "chính sách bá quyền dai dẳng của đế quốc cũng như các động thái nhằm cô lập Nga".
Đáp lại, ông chủ Điện Kremlin nói: "Tôi tin rằng việc thực hiện các thỏa thuận sẽ góp phần mở rộng hơn nữa hợp tác song phương mang tính xây dựng, nhằm cải thiện phúc lợi của người dân hai nước, đảm bảo an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và toàn bộ Đông Bắc Á".