Việc thành lập lực lượng chung tại biển Đỏ vừa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố vào đầu ngày 19-12 tại Bahrain, theo AP.
Động thái này diễn ra sau khi nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo bắn từ các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen làm hư hại một số tàu đi qua biển Đỏ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong một cuộc họp hôm 18-12 tại Tel Aviv - Israel - Ảnh: AP
Điều này khiến nhiều công ty vận tải biển phải yêu cầu tàu của họ tạm dừng hành trình, không đi qua eo biển Bab el-Mandeb cho đến khi tình hình được giải quyết.
"Đây là một thách thức quốc tế, đòi hỏi phải có hành động tập thể. Vì vậy hôm nay, tôi tuyên bố thành lập Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng, một sáng kiến an ninh đa quốc gia mới quan trọng" - ông Austin nói.
Theo tuyên bố chính thức, 10 quốc gia tham gia là Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.
Một quan chức quốc phòng giấu tên nói với AP rằng một số quốc gia khác cũng đã đồng ý tham gia nhưng không muốn nêu tên.
Tàu khu trục HMS Diamond của Hải quân Hoàng gia Anh, một trong các tàu chiến đang hoạt động trên biển Đỏ - Ảnh: AP
Trước đó, Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ đã thông báo thêm 2 vụ tấn công vào các tàu thương mại hôm 18-12.
Theo đài Al-Jazeera, đó là hai tàu MSC Clara và Swan Atlantic thuộc sở hữu Na Uy. Người phát ngôn của Houthi Yahya Sarea nói các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã được thực hiện sau khi hai tàu này không đáp ứng các cuộc gọi của Houthi.
Chủ tàu Swan Atlantic cho biết tàu bị vật thể không xác định va phải, nhưng không ai trong thủy thủ đoàn bị thương.
Còn theo dữ liệu của Tập đoàn Giao dịch chứng khoán London, tàu MSS Clara được gắn cờ Panama. Thông tin chi tiết về vụ tấn công tàu này chưa rõ ràng.
Trong những ngày qua, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã gia tăng tấn công các tàu chở dầu, chở hàng và một số tàu khác ở biển Đỏ, gây nguy hiểm cho tuyến đường biển chiếm 12% lưu lượng thương mại toàn cầu.
Theo Reuters, điều này đã gây ra một cuộc "khủng hoảng vận chuyển", với gã khổng lồ dầu mỏ BP của Anh trở thành công ty mới nhất đình chỉ hoạt động tàu thuyền qua biển Đỏ vào hôm 18-12.
Trong khi đó, Công ty Frontline ở Bermuda, một trong những hãng tàu chở dầu lớn nhất thế giới, đã định tuyến lại các tàu - có thể đi qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi, một tuyến đường dài hơn và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.