“Khoảng trống” phía sau chị em nhà Williams

Chủ nhật, 19 Tháng 4 2020 16:12 (GMT+7)
Khi WTA (Hiệp hội Quần vợt nhà nghề nữ) đóng băng bảng xếp hạng và dừng các giải đấu vì đại dịch COVID-19, người hâm mộ có thời gian phân tích các giải đấu và chỉ ra “khoảng trống” sau lưng chị em nhà Williams.
Liệu Sofia Kenin có giữ được ngôi vị Úc mở rộng 2020 trong mùa giải tiếp theo? Ảnh: EPA
 
Nếu như quần vợt nam gần 20 năm qua chứng kiến sự thống trị của bộ ba huyền thoại Nadal - Djokovic - Federer, thì quần vợt nữ phải kể đến chị em nhà Williams (Mỹ). Mặc dù không thâu tóm hết tất cả các Grand Slams, nhưng cô chị Venus Williams đã có 7 Grand Slams; cô em Serena Williams đoạt 23 Grand Slams. Trong khoảng thời gian này, ngoài chị em nhà Williams, cũng chỉ có 2 tay vợt bảo vệ thành công chức vô địch để có được những Grand Slams liên tiếp là Justin Henin (vô địch Pháp mở rộng 3 năm liên tục 2005-2007) và Kim Clijsters (vô địch Mỹ mở rộng 2009-2010).
 
Có thể nói, chị em nhà Williams đã tạo nên những dấu ấn tuyệt vời. Không chỉ cùng nhau thống trị làng banh nỉ trong thời gian nhất định ở nội dung đôi, họ còn tạo nên những trận “nội chiến” mà phần thắng hầu như thuộc về cô em với thể lực chắc chắn hơn. Nếu như năm 2001, Venus hạ gục em gái để bảo vệ thành công ngôi vô địch Mỹ mở rộng năm thứ 2 liên tiếp; thì năm 2002, Serena đã biến Venus thành cựu quán quân, để vô địch Mỹ mở rộng lần thứ 2 và mở ra một giai đoạn mới của “Cô em nhà Williams”. 2002 cũng là năm Serena Williams giành vô địch Pháp mở rộng và Wimbledon. Cô cũng giữ phong độ để quán quân Úc mở rộng vào đầu năm 2003. Trong chuỗi thành tích Grand Slams của mình, Serena cũng bảo vệ thành công ngôi vô địch ở 3 giải Grand Slams. Đó là các năm 2002-2003, 2015-2016 trên sân cỏ nước Anh; các năm 2012-2013 và 2014 ở Mỹ mở rộng và 2009-2010 ở Úc mở rộng.
 
Trận chung kết Úc mở rộng 2017 là trận chung kết Grand Slams gần như cuối cùng của cô chị nhà Williams, khi 37 tuổi. Trận chiến căng thẳng này tái hiện đỉnh cao của trận chung kết Mỹ mở rộng năm 2002, khi Serena hạ chính chị mình để lên ngôi vô địch và xây dựng đế chế riêng. Ngay sau vô địch Úc mở rộng 2017, cô em nhà Williams đã nghỉ thi đấu để sinh con. Từ khi trở lại với quần vượt vào năm 2018, Serena Williams đã vào chung kết 4 Grand Slams, nhưng không vô địch được 1 giải đấu nào, nên danh hiệu của cô chỉ dừng lại ở 23 Grand Slams. Serena sinh năm 1981, nghĩa là thời gian thi đấu đỉnh cao của cô không còn nhiều để có thêm những Grand Slams nữa.
 
Sau lần Serena quán quân Úc mở rộng năm 2017, làng banh nỉ thế giới liên tiếp chào đón nhà vô địch mới. Bắt đầu từ Jelena Osatapenko ở Pháp mở rộng 2017, Naomi Osaka và Bianca Andreescu ở Mỹ mở rộng 2018 và 2019, Ashleigh Barty vô địch Pháp mở rộng 2019… Trong số họ, không tay vợt nào bảo vệ được danh hiệu ở năm kế tiếp và chỉ có 2 tay vợt có thêm được Grand Slams thứ 2 là Naomi Osaka (Mỹ mở rộng 2018 và Úc mở rộng 2019) và Simona Halep (Pháp mở rộng 2018 và Wimbledon 2019).
 
Việc chị em nhà Williams không còn thống trị làng banh nỉ đã tạo cơ hội cạnh tranh cho các tay vợt khác, nhưng người hâm mộ vẫn thấy tiếc vì “khoảng trống” quá lớn mà nhà Williams, nhất là cô em Serena để lại, vì sự thiếu ổn định của các nữ hoàng mới.
 
H.T - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thể Thao