Sân Signal Iduna Park của Borussia Dortmund thường có trên 80 ngàn khán giả, nhưng nay vắng tanh. Ảnh: Getty Images
Trên mạng xã hội, một số người đã bình luận các trận đấu tại giải Bundesliga cuối tuần qua giống như giao hữu chuẩn bị cho mùa giải mới, diễn ra với tốc độ chậm và ít quyết liệt hơn. “Không có âm thanh nào cả, bạn tạo ra cơ hội, dồn ép đối phương, ghi bàn và… vẫn im lặng. Cảm giác rất kỳ lạ. Chúng tôi nhớ người hâm mộ rất nhiều”, HLV Lucien Favre bộc bạch sau khi CLB Borussia Dortmund của ông “đè bẹp” Schalke 4-0 vào tối 16-5.
Bóng đá thực sự khác biệt như thế nào khi khán đài vắng bóng CĐV? 6 trận đấu trong ngày Bundesliga trở lại sau 2 tháng tạm nghỉ do dịch COVID-19 gần như chưa đủ để trả lời câu hỏi này. Dù vậy, dữ liệu của Hãng Opta đưa ra một số điểm khác biệt thú vị ở những trận đấu trên so với trước khi áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn dịch lây lan. Theo đó, số lần tranh chấp tay đôi giữa cầu thủ hai đội ít hơn, trung bình chỉ 60,7 lần/trận so với 71 lần hồi trước khi giải tạm ngừng. Những pha chạm bóng trong vòng cấm đối phương cũng giảm, trung bình 35,5 pha so với 44,9 trước đây. Ngược lại, xuất hiện nhiều đường chuyền hơn, 940 đường so với 906, thống kê này cho thấy các cầu thủ dường như đã thận trọng hơn đôi chút.
Thêm một chi tiết đáng chú ý là đội chủ nhà mất đi những lợi thế do các CĐV tạo ra. Trong số 224 trận tại Bundesliga mùa này trước khi phong tỏa, các đội khách đã bị trọng tài thổi phạt và “tặng” thẻ vàng nhiều hơn đội chủ nhà 151 lỗi và 62 thẻ. Nhưng hôm 16-5, trung bình các đội chủ nhà bị tuýt còi/phạt thẻ vàng nhiều hơn và nó xảy ra trên sân hoàn toàn vắng mặt “cầu thủ thứ 12”.
Năm 2007, nhiều CLB tại giải Serie A (Ý) cũng từng buộc phải thi đấu trên sân không khán giả sau cái chết của một cảnh sát trong trận derby vùng Sicilia giữa Catania và Palermo. Khi đó, một nhóm học giả thực hiện nghiên cứu và nhận thấy lợi thế sân nhà liên quan đến số lần thổi phạt, thẻ vàng và thẻ đỏ dành cho đội khách đều giảm đáng kể. Ngoài ra, cùng một trọng tài nhưng lại xử lý rất khác khi điều khiển cùng một đội thi đấu trên cùng một sân nếu không có khán giả. Không chỉ tại Ý, ở Anh cũng vậy. Các nhà tâm lý học gọi ảnh hưởng này là “sự tuân theo”. Tưởng tượng 70.000 CĐV sẽ hét to vào bạn khi bạn đưa ra một quyết định cho đội bóng của họ, nên điều này có thể ảnh hưởng đến tiếng còi của các trọng tài.
Ignacio Palacios-Huerta, Giáo sư về quản lý, kinh tế và chiến lược tại Đại học Kinh tế Luân Đôn (Anh), nhận định “những vị vua áo đen” thường bị tác động bởi các CĐV trên khán đài mà không hay biết. Qua phân tích thời gian bù giờ tại các trận đấu thuộc giải La Liga ở Tây Ban Nha, nhóm nghiên cứu của Palacios-Huerta phát hiện khi đội nhà dẫn trước đội khách một bàn, trọng tài đã cho thời gian này ít hơn gần 30% so với trung bình. Tuy nhiên với diễn biến ngược lại, thì trọng tài lại cho đá bù giờ nhiều hơn 35% so với trung bình. Bên cạnh đó, khi lực lượng CĐV càng hùng hậu, các trọng tài lại càng thiên vị hơn. Tại Tây Ban Nha, Barcelona và Real Madrid là hai đội thường được hưởng lợi theo kiểu này.
BÌNH DƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)