Đặt ''viên gạch'' đầu tiên cho môn Vật ở phía Nam

Chủ nhật, 21 Tháng 6 2020 15:53 (GMT+7)
Cuối tuần trước, dưới sự chủ trì của Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT), Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (HLTTQG) Cần Thơ tổ chức cuộc gặp với lãnh đạo ngành Thể thao các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ và một số tỉnh miền Trung Nam bộ, Tây Nguyên, nhằm tìm giải pháp đưa môn Vật phát triển ở phía Nam. Vật là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games và là môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, nhưng chỉ phát triển ở các địa phương phía Bắc, trong khi rất hạn chế ở phía Nam vốn được đánh giá rất tiềm năng.
Một đòn thế trong môn Vật do hai tuyển thủ quốc gia Tất Dự và Xuân Định biểu diễn.
 
Theo Tiến sĩ Trần Văn Thạch, Bộ môn Vật, Vụ Thể thao thành tích cao I Tổng cục TDTT, môn Vật tự do du nhập vào Việt Nam từ cuối những năm 1970 và Việt Nam có đội tuyển Vật tham dự Thế vận hội Moscow năm 1980. Năm 1996, Việt Nam thành lập đội tuyển Vật cổ điển tham dự các giải quốc tế. Sở dĩ môn Vật tự do và Vật cổ điển ở Việt Nam phát triển nhanh và mạnh do hệ thống môn Vật dân tộc Việt Nam phổ biến tại các lễ hội đình làng, thu hút rất đông người tập luyện. Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho rằng những sới Vật trong các lễ hội ở các tỉnh phía Bắc có khi thu hút hàng nghìn, hàng chục nghìn người xem. Vật lại là môn trong hệ thống Olympic có nhiều nội dung thi đấu. Tại các kỳ SEA Games, các đô vật Việt Nam hầu như thống trị ở các hạng cân, nhưng chưa thể tiến ra đấu trường Olympic. Vì vậy, môn Vật rất cần sự phát triển chiều “rộng”, lan tỏa ra cả nước, nhằm hình thành nguồn tuyển chọn tiềm năng. Liên đoàn Vật Việt Nam vừa được thành lập vào tháng 10-2019, sẽ tạo cơ sở cho môn thể thao này từng bước vươn ra đấu trường quốc tế.
 
Tuy nhiên, ông Trần Đức Phấn thừa nhận rằng việc phát triển môn Vật rất khó khăn khi  các tỉnh phía Nam còn thiếu thốn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Vật có truyền thống tại các tỉnh phía Bắc nhưng ở phía Nam còn là “vùng trắng”. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Lâm Đồng, cho biết quê ông ở Bắc Ninh là nơi có truyền thống về Vật khi chiều chiều trai làng thường kéo nhau thi đấu rất sôi động. Khi ông vào Lâm Đồng, có một huyện kinh tế mới mang theo Quan họ và Vật. Ban đầu, một số xã có tổ chức đấu Vật, nhưng dần dần mai một và không còn phong trào mạnh nữa.
 
Hiện tại, địa phương còn duy trì đội tuyển môn Vật chỉ có Long An và Đồng Nai, nhưng nguồn đầu tư cũng rất hạn chế. Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Long An, cho biết: Long An thành lập môn Vật năm 1988 và còn duy trì cho đến nay với khoảng 10-15 vận động viên (VĐV). Hiện nay, có 2 huấn luyện viên (HLV) đang trực tiếp huấn luyện xuất thân là VĐV tuyển quốc gia và được đưa đào tạo chuyên môn. Tuy nhiên, với ĐBSCL, Vật là môn mới, phụ huynh khó cho con em theo. Khi đi tuyển, các HLV không phải tuyển cho môn Vật mà tuyển cho môn khác, sau khi phát hiện có tố chất mới chuyển qua Vật. Việc cho các VĐV đi tập huấn, thi đấu cọ xát cũng khó khăn khi ĐBSCL không có đội. Vì vậy, Long An mong muốn các tỉnh ĐBSCL đầu tư phát triển môn này để có điều kiện giao lưu, cọ xát ở khu vực.
 
Cũng đồng ý kiến với Long An, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu tỉnh Đồng Nai, cho rằng đơn vị phát triển môn Vật dựa trên số VĐV môn Judo chuyển qua. Cơ sở vật chất tập luyện của môn Vật cũng của môn Judo, lực lượng tuyển chọn ban đầu cũng là cho Judo. Việc liên hệ với Long An thi đấu giao hữu, nâng cao trình độ cho VĐV cũng gặp khó, bởi vì hai đơn vị đầu tư hạng cân không giống nhau. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng không có HLV chuyên sâu về Vật, chủ yếu là Judo đưa sang. Nếu đưa đi xa tới các tỉnh phía Bắc thi đấu cọ xát thì không hiệu quả. Còn ra thi đấu với VĐV các tỉnh phía Bắc thì khó mà có huy chương, trong khi ở miền Nam không có giải Vật. Không có thành tích thì việc duy trì môn Vật cực kỳ khó khăn.
 
Với Cần Thơ, việc phát triển môn Vật cũng được manh nha vào năm 2010 khi chuẩn bị lực lượng tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2012 do Cần Thơ đăng cai tổ chức. Tuy nhiên, sau kỳ Hội khỏe Phù Đổng này, đội Vật với đa phần là lực lượng của Judo chuyển qua để “chữa cháy” đã giải tán vì nhiều lý do.
 
Thể hiện quyết tâm xây dựng kế hoạch phát triển môn Vật, nhưng ông Tạ Hoàng Hiện, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Cà Mau, cho rằng ĐBSCL có tiềm năng về Vật nhưng thực tế như tờ giấy trắng. Điều này có khó khăn nhưng cũng có thuận lợi. Đó là chưa có gì trên tờ giấy trắng đó, nên nếu đi đúng hướng thì sẽ phát triển rất nhanh. Trong thể thao, cần phát triển mạnh từ phong trào lên năng khiếu rồi mới tới thành tích cao, nhưng môn Vật thì phải đi ngược lại. Vì vậy, ông Hoàng Hiện đề nghị Tổng cục TDTT làm đầu mối để phát triển, xây dựng kế hoạch chung cho các tỉnh ĐBSCL, hỗ trợ chuyên gia tuyển chọn, gởi HLV đi học, kế hoạch tập huấn cho các địa phương… Bên cạnh đó, cần tổ chức một số giải trẻ ở ĐBSCL.
 
Đồng thuận với đề xuất này, ông Trần Đức Phấn khẳng định sẽ chỉ đạo Liên đoàn Vật Việt Nam tổ chức một giải Vật ở ĐBSCL, thậm chí cần thiết đưa các giải vào Nam. Bên cạnh đó, ông giao Trung tâm HLTTQG Cần Thơ tổ chức đoàn HLV các tỉnh phía Nam tham quan Liên đoàn Vật Việt Nam, đồng thời tổ chức cử HLV của Liên đoàn hỗ trợ các tỉnh, giao Trung tâm HLTTQG Cần Thơ một chuyên gia về Vật. Bên cạnh đó, xem xét chuyển lực lượng Judo qua Vật, bởi Judo vốn có lực lượng dồi dào. Liên đoàn Vật chủ trì chuẩn bị tài liệu để gởi cho các đơn vị. Trung tâm HLTTQG Cần Thơ xây dựng kế hoạch đào tạo VĐV, HLV.
 
Những viên “gạch” đầu tiên đang được đặt làm nền móng, với hy vọng quá trình xây dựng “ngôi nhà” môn Vật ở phía Nam sẽ sớm thành hình, ra dạng.
 
NGUYỄN MINH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thể Thao