Hầu hết các thành viên của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á đã đồng ý với việc dời thời gian thi đấu AFF Cup 2020 sang năm tới. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các nhà tổ chức không thể mạo hiểm ấn định lịch thi đấu dù còn tới 4 tháng nữa giải mới diễn ra theo dự kiến.
Điều này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy mà hơn ai hết, các cầu thủ là những người phải hứng chịu sự tàn khốc của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thôi, chưa nói về hậu quả, chúng ta hãy bàn về lợi ích mà nó mang lại đã.
Trước tiên, việc giải đẩy sang năm sau mang giá trị cao hơn về mặt bản quyền truyền hình. Nếu AFF Cup tổ chức vào tháng 12 tới thì gần như chắc chắn phải thi đấu theo thể thức đá tập trung tại một quốc gia. Khi đó giải không còn tính quảng bá rộng rãi như AFF Cup 2018, giải đấu thu về số tiền tài trợ lớn nhất trong lịch sử.
Dĩ nhiên tiền tài trợ lớn thì tiền thưởng cho các đội cũng tăng lên và VFF hay các Liên đoàn cũng sẽ nghĩ về vấn đề này. Điều thứ hai mang tính cá nhân hơn, giải đẩy sang năm 2021 thì ĐT Việt Nam sẽ hưởng lợi hơn cả. Chúng ta sẽ có sự trở lại của các trụ cột như Duy Mạnh, Đình Trọng hay các nhân tố mà HLV Park đánh giá cao như Hải Huy.
Thủ thành Filip Nguyễn cũng thoải mái hơn về thời gian trong nỗ lực lấy quốc tịch Việt Nam. Hãy tưởng tượng đoàn quân Park Hang Seo sẽ mạnh như thế nào nếu có đầy đủ các nhân tố trên.
Năm 2021 là thời điểm hợp lý để Filip Nguyễn ra mắt ĐT Việt Nam
Bây giờ hãy đề cập đến hệ lụy mà nó mang tới. Đầu tiên là lịch thi đấu. Như đã biết rất nhiều giải sẽ bị hoãn sang năm 2021, có thể kể tới như Olympic hay vòng loại World Cup 2022. Đi cùng với đó còn có vòng loại U23 châu Á, nơi mà HLV Park Hang Seo tiếp tục dẫn dắt đội tuyển trẻ của chúng ta.
Với lịch thi đấu chồng chéo như thế trong quỹ thời gian hạn hẹp, sẽ rất khó khăn để vạch ra kế hoạch tập trung, luyện tập phù hợp. Đấy là còn chưa kể tới giải VĐQG thì VPF và VFF càng đau đầu hơn với việc xếp lịch.
Từ chuyện lịch thi đấu bị dồn nén như thế dẫn tới vấn đề thứ hai, thể lực của các cầu thủ. Phải căng mình phục vụ ĐTQG rồi thi đấu ở CLB, khó cầu thủ nào đáp ứng được mật độ khủng khiếp ấy. Những chấn thương của Văn Thanh, Xuân Trường, Duy Mạnh, Đình Trọng,... đến từ nguyên nhân ở trên.
Một cầu thủ dẻo dai, sức bền xếp thuộc dạng hàng đầu của bóng đá Việt Nam như Quang Hải cũng phải chào thua. Từ SEA Games đến V-League 2020 này, Quang Hải liên tục dính chấn thương vụn vặt, điều mà trước đấy anh chưa bao giờ dính phải.
Lịch thi đấu như thế khó cho nhà tổ chức nhưng cầu thủ mới là những người gánh chịu hậu quả cuối cùng. Tại sao người ta không hi sinh một chút lợi ích để đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ?
Họ vẫn có thể tổ chức giải như dự kiến cơ mà. Nếu lo ngại về dịch bệnh, các đội tuyển cùng đồng ý thực hiện quy định cách ly và bố trí nơi ăn chốn ở biệt lập. Phương án nào cũng có cái khó nhưng hãy nghĩ về cầu thủ, những người tạo ra giá trị của môn thể thao này.
Theo thethao247.vn
T/H: Anh Đức (dongbang.vn