Bóng đá miền Tây sa sút

Thứ bảy, 03 Tháng 10 2020 11:37 (GMT+7)
Các CLB Bóng đá miền Tây từng một thời nổi tiếng ở sân chơi V-League nhưng nay đã không còn vị thế trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
 
Miền Tây từng sản sinh ra những tên tuổi lừng lẫy cho bóng đá Việt Nam. Thế hệ vàng đầu tiên có hậu vệ Trần Công Minh, cựu đội trưởng tuyển Việt Nam là người con của Đồng Tháp, hay tiền vệ tài năng gốc Long An Phan Văn Tài Em, từng là thủ quân của đội hình vô địch AFF Cup 2008.
 
Ngoài ra, nhiều tuyển thủ nổi tiếng gốc miền Tây, thường xuyên "ăn cơm tuyển" như thủ thành Tấn Trường, Bửu Ngọc, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, Phan Thanh Bình hay tiền vệ Nguyễn Vũ Phong, Trần Trường Giang… Nhưng giờ đây bóng đá miền Tây phải ngụp lặn ở các giải Hạng Nhất, Hạng Nhì quốc gia. Công tác đào tạo trẻ cũng kém tiếng so với các "lò" Hoàng Anh Gia Lai, SLNA, PVF hay Viettel.
 
Bóng đá miền Tây sa sút - Ảnh 1.
XSKT Cần Thơ (áo xanh) được đầu tư mạnh trước giải đấu nhưng giờ đây chỉ mong có được suất trụ hạng Ảnh: VPF
 
Đã 2 mùa liên tiếp, sân chơi V-League vắng bóng các CLB miền Tây. CLB XSKT Cần Thơ là đội gần đây nhất xuất hiện ở sân chơi chuyên nghiệp đỉnh cao vào năm 2018. Năm nay, đội bóng "Tây đô" cùng An Giang, Đồng Tháp và Long An tham dự Giải Hạng nhất quốc gia và cả 4 đội bóng này đều cùng chung mục tiêu trụ hạng!
 
Trong 4 CLB miền Tây dự Giải Hạng nhất, XSKT Cần Thơ và Long An là 2 đội bóng được đầu tư mạnh mẽ ngay từ đầu mùa với mục tiêu tranh suất thăng hạng nhưng sau màn trình diễn nhạt nhòa ở giai đoạn 1, giới chuyên gia cho rằng việc họ trụ hạng đã là thành công.
 
Sau giai đoạn 1, chỉ có CLB An Giang đủ điều kiện lọt vào tốp 6, tranh ngôi vô địch ở giai đoạn 2 nhưng khi phải cạnh tranh một suất thăng hạng duy nhất với các đội bóng giàu và mạnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phố Hiến hay Bình Định, thì cơ hội để An Giang tạo nên bất ngờ là không có.
 
Nguyên nhân chính là các đội bóng thiếu tiền để chiêu mộ cầu thủ có chất lượng. Không thể cạnh tranh về tài chính với các đội bóng "nhà giàu" khác khiến các đại diện miền Tây phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm đầu tư, bớt kinh phí đào tạo trẻ và chia tay các ngôi sao chỉ để tồn tại mà thôi.
 
Khi phải thi đấu trong hoàn cảnh khó khăn như lương thấp, chế độ đãi ngộ không tốt thì bầu nhiệt huyết của các cầu thủ vì thế cũng cạn dần.
 
Bóng đá miền Tây muốn phát triển phải được phải đầu tư chiều sâu, đặc biệt là phải từ đào tạo trẻ. Muốn vậy phải có tiền. Không có tiền, không thể nuôi được cầu thủ, mà tiêu cực đã xảy ra ở một trung tâm bóng đá mạnh như Đồng Tháp là một minh chứng.
 
Tường Phước - (nld.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thể Thao