Cử tạ Việt Nam: Thách thức và cơ hội

Thứ sáu, 04 Tháng 12 2020 19:11 (GMT+7)
Liên tiếp tin vui và nỗi buồn của cử tạ Việt Nam những ngày qua đều liên quan đến doping, như một lời cảnh báo không bao giờ thừa về một nan đề mà thể thao thế giới vẫn tìm kiếm đáp án
Gần như đã giải nghệ trong lặng lẽ và hiện điều hành một phòng gym ở Hà Nội, cựu vận động viên (VĐV) cử tạ Trần Lê Quốc Toàn không thực sự bất ngờ khi biết tin anh sẽ được nhận tấm huy chương đồng (HCĐ) về thành tích thi đấu từ cách đây... 8 năm.
Câu chuyện được nhắc đến từ vài năm trước nhưng phải đến bây giờ Ban Điều hành của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) mới chính thức công bố. Mỗi kỳ Thế vận hội có hàng chục môn tranh tài với vài trăm nội dung và phân môn, xử lý kết quả xét nghiệm chất kích thích của cả ngàn VĐV tham dự chắc chắn phải là công việc của nhiều năm, không dễ dàng công bố trong một thời gian ngắn.
Cử tạ Việt Nam: Thách thức và cơ hội - Ảnh 1.
Trần Lê Quốc Toàn tại Olympic London 2012. Ảnh: CHÍ HUỲNH
Tại Thế vận hội 2012 diễn ra ở London - Anh quốc, Trần Lê Quốc Toàn tranh tài ở hạng 56 kg và chỉ xếp hạng 4 chung cuộc với thành tích tổng cử 284 kg, xếp sau các lực sĩ Om Yun-chol (CHDCND Triều Tiên, 293 kg), Wu Jingbiao (Trung Quốc, 289 kg) và Valentin Hristov (Azerbaijan, 286 kg). Thành tích này không tệ nhưng với Quốc Toàn, đó là một thất bại, hệt như khi anh chỉ xếp hạng 4 tại Giải Vô địch Cử tạ thế giới 2011.
 
Câu chuyện được phủ một lớp bụi thời gian, khiến ngay cả những người trong cuộc tưởng cũng đã quên thì tất cả được xới lại bằng văn bản chính thức của IOC, công bố cách đây ít ngày. Thành tích được công nhận luôn là niềm vui không gì sánh bằng đối với các VĐV chân chính, nhất là khi họ đổ mồ hôi nước mắt và đôi khi kể cả máu trong tập luyện và thi đấu.
Valentin Hristov bị phát hiện sử dụng chất cấm và bị tước bỏ thành tích, người đứng ngay phía sau chính là Quốc Toàn sẽ được nhận tấm HCĐ "quý hơn vàng" với chính anh. Thành tích của thể thao Việt Nam tại các kỳ Thế vận hội cũng theo đó được cải thiện với tổng cộng 5 huy chương với 1 huy chương vàng (Hoàng Xuân Vinh, bắn súng, 2016), 3 huy chương bạc (Trần Hiếu Ngân, taekwondo, 2000; Hoàng Anh Tuấn, cử tạ, 2008; Hoàng Xuân Vinh, bắn súng, 2016) và 1 HCĐ (Trần Lê Quốc Toàn, cử tạ, 2012).
Chỉ có điều, chàng trai quê Đà Nẵng ở tuổi 31 không còn quá háo hức với tin vui này bởi giá như nhận được HCĐ Olympic từ 8 năm trước, chắc chắn Quốc Toàn sẽ được thưởng lớn, được đầu tư trọng điểm để hướng tới thành tích cao hơn trên khắp các đấu trường.
Câu chuyện của Trần Lê Quốc Toàn đến giữa lúc cả làng cử tạ Việt Nam lo sốt vó với khả năng bị "cấm cửa". Đó là hệ quả từ việc 2 lực sĩ trẻ Nguyễn Thị Thu Trang (17 tuổi) và Bùi Đình Sáng (18 tuổi) có kết quả xét nghiệm dương tính với Oxandrolone, một loại dược chất giúp gia tăng hiệu suất tập luyện và tăng cường cơ bắp. Trước đó, vào năm 2019, Trịnh Văn Vinh (23 tuổi), Nguyễn Thị Phương Thanh (16 tuổi) cũng phải nhận án tương tự.
 
Bốn VĐV này phải nộp tiền phạt và bị cấm thi đấu từ 2-4 năm theo quy định, song vấn đề còn trầm trọng hơn, bởi bất kỳ quốc gia nào có VĐV vi phạm doping từ 3 trường hợp trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic, đều có thể bị mất số lượng hạn ngạch hoặc bị cấm tham dự đấu trường danh giá này. Do đó, cử tạ Việt Nam đang chờ quyết định chính thức từ Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) để biết có được tham dự Olympic Tokyo 2021 hay không.
IWF từng cấm hàng loạt quốc gia không được tham dự các giải vô địch thế giới vì có quá nhiều VĐV dùng Olympic Tokyo 2021. Cử tạ Thái Lan, Malaysia từng mất quyền tham dự SEA Games 2019 với lý do tương tự nên Việt Nam không thể không lo khi đã chắc 3 suất đến Olympic Tokyo là Thạch Kim Tuấn (61 kg nam), Hoàng Thị Duyên (59 kg nữ) và Vương Thị Huyền (49 kg nữ).
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thể Thao