Giải đấu ly khai ESL vừa được 12 đội bóng châu Âu công bố rộng rãi hôm 18-4 đã và đang làm chấn động cả thế giới bóng đá. Nhiều chính trị gia hàng đầu, các chuyên gia cũng như người hâm mộ khắp nơi đã phản đối kịch liệt ý tưởng bị xem là "điên rồ và ngạo mạn" của các đội bóng này về một sân chơi mà doanh thu được tối đa hóa, sẵn sàng phá vỡ mọi cấu trúc bóng đá tại cựu lục địa.
Giải đấu vừa dược công bố đã nhận lại vô số lời chỉ trích, phản đối
Không chỉ LĐBĐ Thế giới (FIFA) và các LĐBĐ quốc gia đã sẵn sàng vào cuộc, LĐBĐ Chấu Âu (UEFA) cũng nhanh chóng bày tỏ những động thái hết sức cứng rắn. Một mặt tuyên bố cấm cầu thủ của 12 đội bóng trở về khoác áo đội tuyển quốc gia tham dự EURO, mặt khác, UEFA dự định tước ngay quyền tham dự cúp châu Âu mùa này của các CLB liên quan.
Chủ tịch UEFA Alexander Ceferin dọa trừng phạt các bên liên quan
Phát biểu với truyền thông châu Âu, Chủ tịch LĐBĐ Đan Mạch Jesper Moller cho biết UEFA sẽ tổ chức họp khẩn cấp để bàn giải pháp đối phó với ESL và các quyết định sẽ được thông qua chậm nhất vào ngày 23-4. Ông nhấn mạnh cuộc họp này sẽ bàn luận việc loại bỏ các CLB ly khai, gồm Real Madrid, Man City và Chelsea, khỏi chặng cuối mùa giải của Champions League, kể cả chọn các đội bóng thay thế để hoàn thành giải đấu. Kết cục tương tự cũng có thể xảy ra với Man United và Arsenal, hai đội đã giành quyền tham dự bán kết Europa League.
Chelsea và Man City có nguy cơ bị loại khỏi bán kết Champions League
Đây mới là phản ứng ban đầu từ UEFA trong khi thực tế cho thấy, cả 5 đội bóng kể trên hoàn toàn có quyền rút lui khỏi 2 cúp châu Âu ngay lập tức chứ không cần đợi đến khi nhận quyết định trừng phạt. Vấn đề được đặt ra là việc loại bỏ 5 đội bóng có vi phạm các thỏa thuận với đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình hay không, trong khi cầu thủ của 12 đội bóng ly khai (tương lai là 20 đội) liệu có quyền rời đi mà không cần phải quan tâm đến việc đền bù hợp đồng?
Man United có khả năng chia tay Europa League dù có vé dự bán kết
Trong một diễn biến khác, Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh dự định nhóm họp các CLB thành viên mà không có sự góp mặt của đại diện 6 đội bóng Man City, Man United, Liverpool, Tottenham, Chelsea và Arsenal. Từng phát biểu thẳng thắn "sự xuất hiện của ESL sẽ gây tổn hại cho bóng đá", Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định hành động mạnh tay nhằm trừng phạt nhóm Big Six. Nhật báo Daily Mail đưa tin, Chính phủ Anh sẽ "bật đèn xanh" cho phép Bộ Nội vụ nước này từ chối cấp giấy phép lao động cho tất cả cầu thủ nước ngoài muốn gia nhập Man City, Man United, Chelsea, Tottenham, Arsenal và Liverpool trong tương lai.
Thủ tướng Anh Boris Johnson không ủng hộ giải đấu mới
Cũng đã xuất hiện thông tin về việc Chính phủ Anh sẽ cưỡng ép tước quyền sở hữu CLB Big Six của các ông chủ hiện tại "vì lợi ích của công chúng", một hình thức quốc hữu hóa tạm thời các CLB này trước khi bán cho một chủ sở hữu khác kèm theo cam kết không được ly khai khỏi FA và UEFA.
Sáu đội bóng Anh quyết định từ bỏ các giải của UEFA
Tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi để bóng đá Anh phát triển, giúp giải Ngoại hạng trở thành thương hiệu toàn cầu, Chính phủ Anh cũng đã trợ giúp về tài chính cho nhiều đội bóng qua cơn đại dịch Covid-19. Vì thế, cũng dễ hiểu phản ứng mạnh mẽ của Thủ tướng Boris Johnson cùng nội các của ông về cái gọi là "sự phản bội" của các đội bóng đối với người hâm mộ, truyền thống và lịch sử của chính mình.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)