Việc sáu đội bóng hàng đầu nước Anh gồm Liverpool, Man City, Man United, Chelsea, Arsenal và Tottenham đồng ý tham dự giải đấu bạc tỉ European Super League cùng với nhiều "ông lớn" khác của bóng đá châu Âu trong những ngày qua đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trên khắp thế giới. Gánh chịu vô số lời cảnh báo sẽ trừng phạt nặng từ Chính phủ Anh cũng như từ FIFA hay UEFA, lắng nghe và phân tích lợi hại đúng sai, Man City đã là đội bóng đầu tiên đơn phương tuyên bố rời khỏi ESL.
Tuyên bố rời bỏ ESL của Man City
Trong thông báo chính thức của đội bóng, Man City cho biết không muốn trở thành một phần của ESL. Không lâu sau đó, Chelsea cũng tiếp bước đội bóng áo xanh thành Manchester như lý giải từ nhật báo Sky Sport: "Chelsea đưa ra quyết định vào phút chót để tham gia ESL vì không muốn bị rơi lại phía sau trong một trào lưu đòi hỏi sự đổi mới để rồi giờ đây hối hận về quyết định sai lầm này".
CĐV Chelsea phản đối bên ngoài sân Stamford Bridge
... biểu tình ngồi ngăn xe chở đội bóng tiến vào sân
Bốn đội bóng còn lại theo nhiều cách thức khác nhau đã đưa ra tuyên bố chính thức lúc gần nửa đêm 20-4, xác nhận việc chấm dứt tham gia giải đấu kể trên. Một trong những nhân vật được cho là "cha đẻ" của dự án ESL là Giám đốc điều hành Ed Woodward của Man United thậm chí còn phải đệ đơn xin từ chức.
Giám đốc điều hành Ed Woodward từ chức sau khi Man United rút khỏi ESL
Không chỉ ở Anh, truyền thông châu Âu còn đưa tin hai đội bóng Tây Ban Nha là Barcelona và Atletico Madrid cũng chuẩn bị rút lui khỏi tiến trình hình thành ESL. Không còn nghi ngờ gì nữa, với việc sớm mất một nửa số thành viên đồng sáng lập, dự án European Super League coi như đã bị dập tắt ngay từ trong trứng nước.
Chelsea và Man City không muốn bị đuổi khỏi Champions League
Chiều tối 20-4 (giờ London), các CĐV Chelsea đã tụ tập rất đông bên ngoài sân Stamford Bridge để phản đối giải đấu ly khai, ngăn không cho hai chiếc xe chở đội bóng tiến vào sân để chuẩn bị cho trận đấu với Brighton ở vòng 32 Ngọai hạng Anh.
Người hâm mộ đã giăng các biểu ngữ chỉ trích quyết định gia nhập Super League và kêu gọi chủ tịch Roman Abramovich "nên làm điều đúng đắn". Giám đốc kỹ thuật Petr Cech đã phải rời xe, tránh khói bom xanh và thuyết phục CĐV nên cho lãnh đạo CLB có thêm thời gian để quyết định đồng thời cho phép xe buýt của đội vào sân thi đấu.
ESL được xác định có nguy cơ phá nát cấu trúc bóng đá châu Âu
Theo nhật báo Daily Mail, việc các đội bóng rút lui khỏi ESL có thể dẫn tới việc họ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính vì đơn phương hủy hợp đồng đã ký, bao gồm các điều khoản có hiệu lực ít nhất ba năm. Tuy nhiên, tất cả đều kết luận rằng một đòn trừng phạt về kinh tế là cái giá phải trả để hạn chế thiệt hại về danh tiếng.
Arsenal và Liverpool của các ông chủ Mỹ miễn cưỡng rời bỏ ESL
Tốc độ chóng vánh của những cuộc đào thoát được coi là một sự sỉ nhục đối với người đứng đầu liên minh ly khai Florentino Perez và các ông chủ ngoại quốc của Liverpool cũng như Arsenal. Chưa rõ tình hình bóng đá châu Âu sẽ diễn biến ra sao trong những ngày tới nhưng rõ ràng những gì xảy ra là chiến thắng dành cho người hâm mộ và cho cả UEFA lẫn FIFA, các tổ chức rất sợ hãi và lo lắng về nguy cơ của một cuộc "binh biến" lan từ cựu lục địa ra khắp toàn cầu.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)