Việc Barcelona không thể giữ chân cầu thủ đắt giá nhất của mình, Lionel Messi, đã gây chấn động khắp thế giới bóng đá nhiều ngày qua.
Hình ảnh Messi đẫm nước mắt nói lời chia tay đội bóng mà anh gia nhập khi mới 13 tuổi đã mang đến vô vàn cảm xúc không chỉ cho các CĐV của Barca.
Messi rơi nước mắt ngày chia tay Barcelona
34 tuổi, siêu sao người Argentina chuẩn bị khoác áo một đội bóng nhà giàu ở châu Âu, Paris Saint-Germain (PSG), kết thúc luôn sự nghiệp ở Barcelona, nơi anh đã giành được 35 danh hiệu, bao gồm 10 chức vô địch La Liga, 4 danh hiệu Champions League cùng nhiều chiếc cúp lớn nhỏ khác. Barcelona tuần trước bất ngờ tuyên bố "Messi sẽ không tiếp tục khoác áo đội bóng dù đã cùng với CLB đạt được thỏa thuận về bản hợp đồng mới, do khó khăn về tài chính và sợ vi phạm quy tắc công bằng tài chính của La Liga".
Những quy tắc này là gì?
Năm 2013, La Liga thành lập một Tiểu ban kiểm soát kinh tế với nhiệm vụ xem xét về tài chính của từng CLB và thiết lập giới hạn chi phí cho mỗi mùa giải. Tiểu ban này sẽ thông báo về khoản chi mà mỗi CLB dùng để mua sắm cầu thủ, HLV, các trợ lý và đội hình dự bị… Các CLB có thể linh hoạt quyết định cách phân chia giữa chi phí chuyển nhượng và tiền lương, miễn là không vượt qua giới hạn tổng thể. Các yếu tố được coi là đạt đến giới hạn bao gồm doanh thu dự kiến, lãi và lỗ từ các năm trước, các khoản trả nợ hiện có và các nguồn tài trợ bên ngoài cùng những người khác.
Thời hoàng kim của Barcelona
Barcelona bị tác động ra sao?
Theo The Athletic, hạn mức chi tiêu của Barcelona trong giai đoạn 2019-2020 là 671 triệu euro. Năm ngoái, con số này đã giảm xuống còn 347 triệu euro và theo báo cáo chưa đầy đủ, hạn mức chi tiêu cho mùa giải sắp tới nằm trong khoảng 160 triệu euro.
Dembele và Coutinho - hai bản hợp đồng kém chất lượng
Thế nhưng Barcelona ở mùa giải sắp tới đây sẽ phải "gánh" khoảng 144 triệu euro tiền lương năm, bao gồm 20 triệu euro của Philippe Coutinho, 27 triệu euro của Antoine Griezmann và 24 triệu euro của Ousmane Dembele. Điều này có nghĩa là Barca không còn đủ khả năng để giữ chân Messi cho dù cầu thủ người Argentina đồng ý cắt giảm 50% lương, duy trì mức thu nhập mới chỉ còn khoảng 50 triệu euro.
Barcelona có nên ưu tiên Messi?
Câu trả lời sẽ là "Luôn luôn". Tuy vậy, khi Barcelona đang bị "trói tay" bởi những siêu dự bị lương cao vẫn còn trong thời hạn hợp đồng như Coutinho, Dembele hay chân sút gây thất vọng Griezmann, họ sẽ buộc phải thực hiện cam kết với Messi như một cầu thủ mới cho mùa giải 2021-2022.
Chủ tịch Joan Laporta bất lực trong việc giữ chân Messi
Điều này đồng nghĩa với việc Barcelona không thể tiếp nhận Messi ngay cả khi anh thi đấu miễn phí. Hoặc giả, Messi chỉ có thể giữ lại tư cách thành viên của Barca nếu đội bóng xứ Catalan bán đi hàng loạt cầu thủ đồng thời đàm phán lại hợp đồng với những người có thu nhập cao… Cả hai phương án này, với Barca, đều đã không được giải quyết rốt ráo tính đến thời điểm hiện tại.
Vì sao Barcelona rơi vào vòng luẩn quẩn?
Những vướng mắc của Barcelona bắt nguồn từ nhiệm kỳ của chủ tịch Josep Bartomeu (2014-2020). Việc Neymar chuyển đến PSG vào năm 2017 đã gây lo lắng hơn là mừng vui, bất chấp Barca thực hiện được bản hợp đồng kỷ lục thế giới tính đến nay. Như để lấy lại thể diện, Barcelona đã đưa ra những quyết định hấp tấp trên thị trường chuyển nhượng và hậu quả là phải gồng gánh những khoản phí, phải trả các khoản lương cao ngất ngưởng.
Lionel Messi chính là biểu tượng của Barcelona
Việc mất doanh thu do Covid-19 chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng này, dẫn đến khoản nợ phải trả trị giá đáng kinh ngạc là 1,3 tỷ euro. Năm ngoái, Barcelona vẫn có thể giữ nguyên đội hình của mình vì La Liga tạm thời dừng truy cứu các án phạt cho việc vượt hạn mức ngân sách. Các quy tắc của La Liga hiện cho phép 25% lợi nhuận từ chuyển nhượng được sử dụng cho các khoản đầu tư mới, nhằm đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, 75% của tất cả lợi nhuận phải được dành để thanh toán các khoản nợ của câu lạc bộ và không thể đi theo hướng mua sắm thêm cầu thủ.
PSG có tiền và không tuân thủ Luật Công bằng tài chính?
Các quy tắc tài chính của La Liga được xem là nghiêm ngặt nhất và không hề du di trước bất kỳ thế lực nào hay áp lực từ các câu lạc bộ nổi tiếng. UEFA, cơ quan quản lý của bóng đá châu Âu, cũng có hẳn Luật Công bằng tài chính áp dụng cho mọi đội bóng nhưng không giống như LaLiga, họ nhìn lại việc chi tiêu trong các mùa giải qua và không ngăn cản việc bổ sung cầu thủ trước. Vì vậy, một câu lạc bộ bên ngoài Tây Ban Nha có khả năng bổ sung Messi với mức lương cao ngất ngưởng, giành những danh hiệu lớn nhất và nếu bị coi là vi phạm luật chơi công bằng, họ có thể thoát hiểm bằng cách nộp phạt. Đây là loại biến dạng trong cạnh tranh mà La Liga khó lòng theo chân.
Neymar chào đón Messi đến PSG
Tương lai nào cho Barcelona
Bất chấp câu chuyện về Messi đã kết thúc, tương lai vẫn còn bấp bênh đối với Barcelona. Trong vài tháng gần đây, CLB đã thông báo về việc ký hợp đồng với bốn cầu thủ mới - Sergio Aguero, Eric Garcia, Emerson Royal và Memphis Depay - nhưng không thể đăng ký bất kỳ ai trừ khi đội bóng này chứng minh được với LaLiga rằng tổng chi phí đội hình hòan toàn nằm trong hạn mức chi tiêu kể trên, tức 160 triệu euro.
Aguero chưa được đăng ký ở đội hình Barcelona
Các CĐV đang lo sợ rằng đội bóng có thể phải "hy sinh" những cầu thủ đã thành danh như thủ môn Marc-Andre ter Stegen, tiền vệ Frenkie de Jong, thậm chí cả những ngôi sao mới nổi như Pedri hay Ansu Fati. Khi Messi không còn ra sân Nou Camp, Barcelona còn đang phải đối mặt với nguy cơ mất giá trị thương hiệu, giảm doanh thu trong ngày thi đấu và nhiều khoản thu thương mại khác.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)