Dấu ấn boxing Việt Nam từ xã hội hóa

Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 19:39 (GMT+7)
Từng là bộ môn thể thao tạo được nhiều dấu ấn ở thập niên 80 của thế kỷ trước, từ những chiến thắng hiếm hoi tại Olympic 1988 đến tấm huy chương đồng tại kỳ SEA Games diễn ra một năm sau đó, chẳng ai có thể nghĩ đến việc quyền Anh Việt Nam bị cấm hoạt động suốt gần 10 năm vì sự quá khích của chính những "người trong cuộc".
 
Sàn đấu quốc gia đổ vỡ, những tay đấm nổi tiếng lao vào ẩu đả trên khán đài, trọng tài và khán giả bị tấn công… chính là những nguyên nhân khiến hai từ "quyền Anh" trở thành nỗi hổ thẹn đối với những ai yêu mến môn thể thao này.
 
Ngay cả khi được "bật đèn xanh" trở lại đầu những năm 2000, quyền Anh suốt một thời gian dài không thể nào tìm lại được chính mình, gần như mất luôn định hướng phát triển cho đến khi tiến trình xã hội hóa bắt đầu. Bên cạnh các hoạt động chính thức của quyền Anh bán chuyên như tập trung đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Olympic 2020 và SEA Games 31, ASIAD 19 diễn ra trong năm 2022, phương hướng phát triển quyền Anh chuyên nghiệp tại Việt Nam là một trong những chủ đề được quan tâm trong thời gian gần đây.
Dấu ấn boxing Việt Nam từ xã hội hóa - Ảnh 1.
Nguyễn Thị Thu Nhi - tân vô địch hạng nhẹ WBO thế giới. Ảnh: ĐINH TRUNG
 
Theo ghi nhận từ Bộ môn Boxing-Kickboxing (Tổng cục Thể dục Thể thao), sự hợp tác với những đơn vị tư nhân đã mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ thông qua sự thăng tiến của dàn võ sĩ như Trần Văn Thảo, Trương Đình Hoàng (Saigon Sports Club - SSP), Nguyễn Văn Đương (VSP) hay mới nhất là Nguyễn Thị Thu Nhi, Sẩm Minh Phát, Đinh Hồng Quân (Cocky Buffalo - Hàn Quốc). Nhiều danh hiệu chuyên nghiệp cấp độ châu lục và thế giới của các tổ chức quyền Anh uy tín như WBA, WBC, WBO lần lượt tìm đến với quyền Anh Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển mới.
 
Tuy vậy, để tránh sa đà vào lối mòn cũ, một số ý kiến cho rằng cơ quan quản lý thể thao cần thiết phải có sự gắn kết chặt chẽ với các "lò" đào tạo tư nhân, vừa bảo đảm mật độ thi đấu cọ xát ở mức cao để các võ sĩ rèn luyện thêm thể lực lẫn chuyên môn, vừa cần có cơ chế để đội ngũ VĐV chuyên nghiệp này được quản lý cũng như sẵn sàng làm nhiệm vụ cùng với đội tuyển quốc gia. Cụ thể hơn, cần phân định phương thức hợp tác, như võ sĩ ký hợp đồng thi đấu tại các sự kiện trong và ngoài nước do công ty tư nhân tổ chức, các công ty cùng với đội tuyển chi trả lương cho võ sĩ tập luyện thi đấu song song.
 
Đánh giá về các phương thức xã hội hóa, ông Vũ Đức Thịnh - Trưởng Bộ môn Boxing-Kickboxing - ghi nhận nỗ lực của VSP trong việc tổ chức sự kiện Victory 8 hay "lò" Cocky Buffalo chủ động đưa VĐV ra nước ngoài tập luyện, thi đấu, góp phần tạo nên tên tuổi của các nhà vô địch WBA Đông Á, WBA châu Á (Trương Đình Hoàng) và tân quán quân nữ WBO châu Á - Thái Bình dương, WBO thế giới (Nguyễn Thị Thu Nhi)… Khi Liên đoàn quyền Anh Việt Nam kiện toàn lại bộ máy nhân sự và phương thức làm việc, chắc chắn sẽ có nhiều đơn vị đào tạo tư nhân tham gia việc tổ chức các sự kiện thi đấu chuyên nghiệp, kêu gọi tài trợ để đầu tư nhiều hơn cho quyền Anh Việt Nam.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thể Thao