Dù có lúc bị ví von như giải "ao làng" khi Thái Lan không cử những ngôi sao tham dự nhưng ở AFF Suzuki Cup 2020 sắp khởi tranh, tất cả đội tuyển đều mang đến Singapore lực lượng mạnh nhất. Không chỉ vì mục tiêu đánh bại thầy trò HLV Park Hang-seo, cả Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đều muốn tìm kiếm danh hiệu vô địch để lấy lại niềm tin từ người hâm mộ.
Sau "triều đại" HLV Kiatisuk, bóng đá Thái Lan trải qua chuỗi 4 năm "khát" danh hiệu ở mọi cấp độ. Kể từ sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2016, Thái Lan hướng tới chủ trương không gọi những ngôi sao đang chơi ở nước ngoài để thi đấu AFF Suzuki Cup hay SEA Games. Người Thái được cho là đã no nê danh hiệu, thậm chí có phần tự mãn bởi họ tin rằng chỉ cần những cầu thủ đang thi đấu ở Thai-League cũng đủ sức thống trị khu vực. Thực tế năm 2017, U23 Thái Lan chỉ dùng trợ lý HLV của Kiatisuk là ông Worawut Srimaka vẫn giành được HCV SEA Games.
Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó đã thay đổi khi HLV Kiatisuk chia tay đội tuyển Thái Lan. Đội bóng được mệnh danh "Voi chiến" trải qua 4 năm không danh hiệu, từ lứa U23 đến đội tuyển quốc gia.
Nằm cùng bảng đấu với Việt Nam, Malaysia và Indonesia ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, Thái Lan bổ nhiệm HLV Nishino Akira của Nhật Bản, với tham vọng sẽ đưa đội tuyển đến vòng loại cuối để cạnh tranh vé dự vòng chung kết World Cup tại Qatar. Kết quả, Thái Lan chỉ đứng thứ 4 bảng G, xếp sau cả Malaysia. Ở AFF Suzuki Cup 2018 và SEA Games 2019, người Thái cũng trắng tay.
Với việc bổ nhiệm cựu HLV CLB TP HCM Mano Polking làm thuyền trưởng, đội tuyển Thái Lan cho gọi lại hàng loạt ngôi sao đang chơi bóng ở nước ngoài như thủ môn Kawin, tiền đạo Teerasil Dangda, hậu vệ Bunmathan Teerathon hay ngôi sao hiện thi đấu ở Nhật Channathip Songkrasin. Người Thái làm tất cả vì mục tiêu đòi lại ngôi vương AFF Suzuki Cup từ tay đội tuyển Việt Nam, đồng thời hướng đến xây dựng lối chơi tấn công hiện đại - điều mà Thái Lan không làm được sau khi chia tay HLV Kiatisuk.
Đỗ Hùng Dũng trở lại tập luyện cùng đội tuyển Việt Nam vào chiều 28-11. Ảnh: ĐỨC ANH
Giống đội tuyển Thái Lan, Malaysia cũng phải thay đổi sau vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Họ không sa thải HLV Tan Cheng Hoe nhưng phải dừng lại chính sách nhập tịch. Ban đầu, LĐBĐ Malaysia (FAM) lên kế hoạch nhập tịch để cải thiện sức mạnh cho đội tuyển. Tuy nhiên, khi chứng kiến màn trình diễn của Guilherme de Paula hay Liridon Krasniqi, FAM phải gác lại kế hoạch đó. Thậm chí, Krasniqi còn không được gọi lên tuyển Malaysia dự AFF Cup 2020.
Lúc này, tuyển Malaysia cần đặt niềm tin vào những nhân tố trẻ. HLV Tan Cheng Hoe nhìn nhận: "Các cầu thủ trẻ sẽ tự tin hơn nếu được thi đấu quốc tế nhiều. Đó là điều chúng tôi cần làm vì mục tiêu lâu dài. Những cựu binh thi đấu tốt sẽ tiếp tục được chơi ở đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, chúng tôi cần chuẩn bị cho tương lai bằng việc ra mắt các gương mặt mới".
Sự coi trọng AFF Suzuki Cup của 3 nhà vô địch gần đây của giải đấu cao nhất Đông Nam Á - là đội tuyển Việt Nam, Malaysia và Thái Lan - đã mang đến sự háo hức cho người hâm mộ; nhất là khi các đội bóng chưa từng vô địch như Indonesia, Philippines hay Myanmar cũng muốn tạo nên bất ngờ. Thậm chí, Indonesia theo đuổi chính sách nhập tịch các cầu thủ của Philippines và Singapore, với hy vọng tạo nên cán cân quyền lực mới cho bóng đá Đông Nam Á. Điều đó khiến giải đấu AFF Suzuki Cup 2020 trên đất Singapore khó lường hơn bao giờ hết.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)