Thanh Bình (14) thi đấu rất tự tin, thậm chí ghi bàn vào lưới Nhật Bản
Chưa bao giờ vị trí trung vệ đội tuyển Việt Nam lại chật chội một cách đầy thú vị như thời điểm hiện tại, khi trong tay HLV Park Hang-seo có quá nhiều sự lựa chọn chất lượng. Nếu cách đây 4 năm, nhà cầm quân người Hàn Quốc đau đầu vì có 4 người, buộc phải chọn 3 người đá chính, thì bây giờ quân số đã tăng lên gấp đôi.
Sau chiến tích ở VCK U23 châu Á năm 2018 tại Thường Châu - Trung Quốc, HLV Park Hang-seo đã rất vui khi trình làng bộ ba trung vệ Bùi Tiến Dũng, Trần Đình Trọng và Đỗ Duy Mạnh. Đó là giải đấu mà ba trung vệ này góp công lớn giúp U23 Việt Nam lên ngôi á quân. Ngoài ra, ông Park còn có Thành Chung cũng là một phương án dự phòng tốt ở thời điểm đó.
Cũng trong năm 2018, khi đội tuyển Việt Nam dự AFF Suzuki Cup, nhà cầm quân người Hàn Quốc tiếp tục mang đến những thay đối đầy kỳ vọng, khi chọn ra bộ ba Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh và Đình Trọng đá chính, còn Bùi Tiến Dũng trở thành phương án siêu dự bị. Cả 4 trung vệ này đều chơi tốt khi được ra sân, khiến người hâm mộ thán phục cách dụng quân của HLV Park.
Đội tuyển Việt Nam trở về Hà Nội sáng 30-3
Trong 4 năm qua, lần lượt bộ tứ trung vệ này được sử dụng xoay tua đều đặn qua các giải đấu. Nhưng rồi, thành tích phòng ngự bắt đầu đi xuống khi Đình Trọng chấn thương, Duy Mạnh thường mắc lỗi dễ dẫn đến phạt đền và thẻ phạt. Chỉ có Quế Ngọc Hải vẫn giữ được sự ổn định, nhưng việc HLV Park Hang-seo lấy lại băng đội trưởng để trao cho Đỗ Hùng Dũng thời gian vừa qua, ít nhiều cho thấy nhà cầm quân người Hàn Quốc muốn trung vệ người Nghệ An phải tập trung vào thi đấu hơn nữa.
Trong giai đoạn bộ khung kiên cố ở hàng trung vệ tuyển Việt Nam bắt đầu lung lay, những cái tên trẻ trung hơn, khao khát ra sân hơn bắt đầu có dịp lên tiếng. Từ Thành Chung, Thanh Bình đến Bùi Hoàng Việt Anh bắt đầu có cơ hội trình làng người hâm mộ. Điểm chung của cả ba là chiều cao, thể hình vượt trội nếu so với thế hệ đàn anh. Dù thiếu kinh nghiệm ở sân chơi quốc tế nhưng bộ ba này lại được rèn giũa đều đặn ở V-League, nên khi vào sân, chỉ cần có sự dìu dắt của các cầu thủ đàn anh, điển hình là Quế Ngọc Hải, họ nhanh chóng hòa nhập và tiến bộ.
Ở trận đấu với Oman, Thành Chung và Việt Anh được trao cơ hội đá bên cạnh Quế Ngọc Hải và đã để lại dấu ấn. Còn với Thanh Bình, cầu thủ trẻ từng chịu nhiều sức ép khi mắc lỗi dẫn đến 2 lần thủng lưới ở trận thua Trung Quốc 2-3 ở lượt đi bảng B vòng loại cuối World Cup, cuối cùng cũng được thầy Park trao lại cơ hội ở trận gặp Nhật Bản.
Chính Thanh Bình đã chớp lấy thời cơ hiếm hoi nhất của tuyển Việt Nam để đánh đầu tung lưới thủ môn Kawashima, mang về 1 điểm cho thầy trò HLV Park Hang-seo ngay trên sân Saitama. Đây là kết quả nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, bởi Nhật Bản luôn được đánh giá mạnh nhất châu lục và từ trước đến nay chưa mất điểm nào ở các trận đấu chính thức khi gặp tuyển Việt Nam.
Cùng với Thanh Bình, Việt Anh cũng đã có màn trình diễn đáng nhớ, khi liên tục đánh chặn những tình huống không chiến của các cầu thủ Nhật Bản. Điểm chung của các cầu thủ vừa thuộc tuyển Việt Nam, vừa là nòng cốt của U23 Quốc gia, nằm ở lợi thế về thể hình. Thanh Bình cao 1,85 m, còn Việt Anh cao 1,88 m. Chiều cao đó giúp cả hai có được lợi thế trong các tình huống tranh chấp tầm cao, điều luôn là bất lợi với nhiều trung vệ trước đây của tuyển Việt Nam.
Chiều cao ấn tượng của Việt Anh (5) và Thanh Bình (14) là cơ sở để tin tưởng vào hàng trung vệ tuyển Việt Nam trong tương lai
Với những gì đã thể hiện khi được HLV Park Hang-seo trao cơ hội, Thành Chung, Thanh Bình và Việt Anh đủ sức khỏa lấp khoảng trống mà các cầu thủ đàn anh từng giữ. Một ngày không xa, họ sẽ cạnh tranh sòng phẳng với chính những trụ cột đội tuyển như Đình Trọng, Duy Mạnh hay Tiến Dũng.