Cho đến tận bây giờ, rất nhiều người vẫn cho rằng Ronaldo đã thi đấu kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp hồi cuối năm ngoái. Anh đánh mất vị trí chính thức ở đội bóng có biệt danh "Brazil châu Âu" và tuyển Bồ Đào Nha đã thất bại cay đắng dưới tay Morocco, phải dừng bước ngay từ vòng tứ kết kỳ World Cup trên đất Qatar.
Ronaldo ghi bàn từ chấm phạt đền
Không có nhiều sự chọn lựa cho đội hình xuất phát rạng sáng 24-3 gặp Liechtenstein, đội bóng xếp hạng 198 của FIFA, tân HLV trưởng Roberto Martinez ở trận đấu ra mắt của mình tại đội tuyển Bồ Đào Nha đã quyết định điền tên Ronaldo vào danh sách xuất phát. Dĩ nhiên, trước đối thủ quá yếu, chọn lựa của nhà cầm quân người Bỉ không khiến chính ông phải ân hận.
Ghi cú đúp trong vòng 12 phút để ấn định chiến thắng 4-0 cho Bồ Đào Nha trước Liechtenstein, Ronaldo ở lần ra sân thứ 197 trong màu áo đội tuyển quốc gia tự tay viết nên nhiều kỷ lục, gồm số lần khoác áo đội tuyển quốc gia nam cùng với cột mốc bàn thắng mới cho đội tuyển ở các giải đấu chính thức.
... rồi sút phạt thành công, ấn định chiến thắng 4-0 cho Bồ Đào Nha
Ronaldo lần đầu tiên khoác áo tuyển Bồ Đào Nha khi mới 18 tuổi ở trận giao hữu với Kazakhstan năm 2003, vào sân từ ghế dự bị thay cho danh thủ Luis Figo. Bàn thắng quốc tế đầu tiên Ronaldo ghi được là ở lần khoác áo thứ 8 khi Bồ Đào Nha đối đầu cùng Hy Lạp. Sau gần tròn 20 năm, Ronaldo đã trở thành cầu thủ nam ghi nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển quốc gia khi vượt qua kỷ lục 109 bàn của tiền đạo người Iran Ali Daei hồi tháng 9-2022.
Ở trận đấu với Cộng hòa Ireland, Ronaldo ghi hai bàn để cán mốc 110 bàn. Sau 6 tháng, con số ấy hiện đã chạm mốc 120 bàn, kỷ lục ghi bàn mọi thời đại.
Ronaldo xô đổ 1 kỷ lục và tiếp tục nối dài một kỷ lục khác
Không chỉ có vậy, với việc ra sân từ đầu ở trận đấu với Liechtenstein, Ronaldo cũng đã vượt qua tiền đạo người Kuwait Badr Al-Mutawa để trở thành cầu thủ có số lần khoác áo đội tuyển quốc gia nhiều nhất trong lịch sử, với 197 trận. Danh sách 10 cầu thủ thi đấu nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia có đến 4 người châu Á, gồm Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha, 197), Al- Mutawa (Kuwait, 196), Soh Chin Ann (Malaysia, 195), Ahmed Hassan (Ai Cập, 184), Mubarak (Oman, 183), Sergio Ramos (Tây Ban Nha, 180), Guardado (Mexico, 179), Al-Deayea (Ả Rập Saudi, 178), Claudio Suarez (Mexico, 177) và Gianluigi Buffon (Ý, 176).
Ronaldo vẫn mạnh mẽ ở tuổi 38
Tuy Ronaldo ghi đến 120 bàn và kỷ lục của anh rất có thể sẽ còn được nối dài cũng như khó bị bắt kịp trong ít nhất 5-10 năm nữa nhưng giới chuyên môn đánh giá không cao chiến công của siêu sao người Bồ. Theo thống kê, phân nửa số bàn thắng này – tức 60 bàn – được Ronaldo ghi vào lưới các đội bóng "tí hon" như Liechtenstein, Luxembourg, Đảo Cyprus, Andorra, Đảo Faroe hay Armenia... CR7 chỉ mới ghi được 1 bàn vào lưới Argentina, mãi đến năm 2021 mới ghi bàn vào lưới Pháp, Đức và đặc biệt, chưa từng ghi bàn vào lưới Brazil!
Trong khi đó, đại kình địch Lionel Messi với pha lập công trong chiến thắng 2-0 của Argentina trước Panama cũng đã kip chạm tay đến cột mốc 800 bàn thắng trong sự nghiệp. Messi ghi 62 bàn bằng sút phạt trực tiếp, 108 bàn bằng phạt đền, 542 bàn trong vòng cấm và 88 bàn từ bên ngoài vòng 16m50. Anh có 670 lần tìm đến mành lưới đối phương bằng chân trái, 101 bằng chân phải, 26 bằng đánh đầu và 3 bằng cách khác.
Messi chạm mốc 800 bàn trong sự nghiệp
Trong bảng xếp hạng vua phá lưới mọi thời đại, Cristiano Ronaldo đứng đầu với 830 bàn sau 1.156 trận (trung bình 0,72 bàn/trận). Đứng thứ hai là tiền đạo người Áo Josef Bican, thi đấu từ năm 1931 đến 1955, ghi 805 bàn sau 530 trận (tỉ lệ 1,52). Tuy nhiên, Messi trẻ hơn CR7 2 tuổi rưỡi và hoàn toàn có thể vượt qua trong tương lai.
Messi có 99 lần lập công cho đội tuyển Argentina, chỉ còn kém Ali Daei, người đứng thứ hai trong danh sách cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho ĐTQG, đúng 10 bàn. Người dẫn đầu danh sách này đang là Ronaldo với 120 bàn thắng.