Đã lường trước khả năng phải đối mặt với một lịch trình bất lợi do đăng ký tranh tài đến 4 nội dung (nhiều nhất trong tổng số 47 nội dung thi đấu của cả đội tuyển điền kinh Việt Nam), thế nhưng cả Oanh và Ban huấn luyện không hình dung nổi việc Ban tổ chức bố trí để cô ra sân 3 nội dung trong vòng 24 giờ.
Chạy 1.500m trong hơn 4 phút
Chẳng những thế, hai trong số ba cự ly thi đấu này còn diễn ra cách nhau chỉ vỏn vẹn 20 phút, bao gồm cả thời gian thi đấu nội dung 1.500m và chuẩn bị cho việc thi đấu tiếp nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật!
Nếu nói Nguyễn Thị Thanh Phúc nhận HCV đi bộ 20km nữ dưới ánh đèn pha xe tải đã là chuyện hy hữu thì việc Nguyễn Thị Oanh phải ra sân hai nội dung trong vòng chưa đầy nửa giờ quả thật chưa từng có.
Những nhà tổ chức môn điền kinh đã thay đổi xoành xoạch lịch thi đấu khiến ngay cả VĐV lẫn người xem như bị "quay chong chóng" còn giới truyền thông liên tục bị "việt vị".
Oanh sau đó ra sân chạy 3.000m vượt chướng ngại vật
Nguyễn Thị Oanh phải chạy hơn 3 vòng sân (1.500m) dưới 4 phút, sau đó cần phải nhanh chóng thay quần áo, gắn số bib và đến phòng chờ thi đấu nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật trong khoảng thời gian 20 phút giữa hai nội dung thi. Đây thực sự là thử thách cực lớn với Nguyễn Thị Oanh, nhà đương kim vô địch SEA Games của cả hai cự ly nói trên.
Nguyễn Thị Oanh trở thành biểu tượng của điền kinh Đông Nam Á
Nhiều nhà chuyên môn uy tín đã đề nghị Ban huấn luyện cũng như Nguyễn Thị Oanh bỏ bớt một nội dung để bảo đảm thành tích lẫn sức khoẻ. Tuy vậy, ý chí của Nguyễn Thị Oanh không gì có thể lay chuyển nổi khi cô đã chuẩn bị tốt nhất cho hành trình SEA Games 32 lần này.
Oanh và Bùi Thị Ngân giành nhất nhì cự ly 1.500m
Nguyễn Thị Oanh mạnh mẽ ra sân và chỉ chạy cự ly 1.500m đúng 4 phút 16 giây. Chuẩn bị cho việc thi đấu tiếp cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật, Oanh thậm chí không thở ra hơi, phải xin hoãn việc lấy mẫu thử doping để kịp giờ thi đấu.
"Nhân định thắng thiên", Oanh tiếp tục giành chiến thắng ở nội dung sở trường này để bổ sung vào bộ sưu tập thành tích tấm HCV SEA Games thứ 11. Trong đó, 3 ngôi vô địch mới nhất giành được chỉ trong vòng 24 giờ và hai HCV giành được trong chưa đầy 40 phút.
Oanh về nhất và Nguyễn Thị Hương về thứ ba cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật
Thách thức dường như đã vượt khỏi khả năng của con người và cô bé năm xưa bị mắc chứng viêm cầu thận đã và đang trở thành "nữ siêu nhân", hay "bông hồng thép" của điền kinh Việt Nam.
Nguyễn Thị Huyền không thể bảo vệ HCV nội dung 400 m nữ do bị xếp ở đường chạy không phù hợp. Thông thường, các đường chạy số 3, 4, 5 được dành cho các VĐV có thành tích tốt ở nội dung sắp thi đấu. Thế nhưng, dù là nhà vô địch nhưng Huyền lại bị xếp ở đường chạy thứ 7, vị trí vốn chỉ dành cho các VĐV có thành tích vòng loại thấp, hoặc không đăng ký thành tích.
Nhà vô địch Nguyễn Thị Huyền bị xếp chạy ở lane 7 rất bất lợi
Không thể thay đổi hoàn cảnh bất lợi, Huyền bắt buộc phải thi đấu và chỉ về đích ở vị trí thứ nhì với thời gian 53 giây 27. HCV thuộc về VĐV người Malaysia Shereen Samson với thành tích 52 giây 53 giây. Thất bại của Nguyễn Thị Huyền là điều bất ngờ bởi 400 m là nội dung cô đã thống trị trong nhiều kỳ đại hội khu vực trước đó.
Nguyễn Thị Huyền mất cơ hội bảo vệ tấm HCV 400m