Đây là ý kiến được ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), chia sẻ tại buổi họp ngày 7-11 tại TP HCM để giới thiệu sự kiện ngày hội công nghệ Vietnam Web Summit 2018 do TopDev tổ chức.
Khảo sát của Vecom từ các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau cho thấy tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 trên 25% và năm 2018 cũng duy trì con số này. Riêng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng ngàn website thương mại điện tử cho thấy tỉ lệ tăng trưởng doanh thu khoảng 35%.
Khi các giao dịch trực tuyến tăng cao cả số lượng, giá trị giao dịch, cơ quan quản lý bắt đầu chú ý đến việc thu thuế những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử.
Người tiêu dùng ngày càng chuộng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh: NLĐ
Theo ông Lê Hải Bình, từ cuối năm ngoái đến nay, vấn đề nổi bật là quản lý thuế đối với thương mại điện tử và thu thuế của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như Google, Facebook… và các hộ gia đình, cá nhân bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Dù vậy, làm sao xác định được thuế nhà thầu, xác định được người bán, doanh thu và thu thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân là không đơn giản.
"Đến giờ, một trong các trở ngại lớn nhất của thương mại điện tử ở nước ta là lòng tin của người tiêu dùng. Việc khuyến khích mọi đối tượng kinh doanh có uy tín bán hàng trực tuyến sẽ góp phần tạo ra nhiều khách hàng hơn. Chính sách quản lý thuế không nên đặt mục tiêu tận thu, ngược lại cần thúc đẩy, tạo nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến" – ông Lê Hải Bình đề xuất.
Ngoài ra, việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử không nên gây ra những trở ngại mới, hạn chế đà tăng trưởng của lĩnh vực này. Cần sự phối hợp liên ngành để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, bởi chừng nào tỉ lệ thanh toán tiền khi nhận hàng (COD) còn cao, việc thu thuế đối với mua bán trực tuyến sẽ khó hiệu quả.