Hiện đại hóa chợ truyền thống

Thứ sáu, 20 Tháng 9 2019 12:25 (GMT+7)
Trong thế bất lợi bủa vây so với những “ông lớn” bán lẻ hiện đại, tiện ích và hấp dẫn, Vĩnh Long đang được tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển chợ truyền thống đúng quy hoạch, hướng văn minh đáp ứng nhu cầu mua và bán.

Chợ truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội.

Chợ truyền thống có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội.

Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, chúng tôi có dịp “đi chợ” Cái Vồn (TX Bình Minh)- khu chợ một thời sầm uất, mua bán sung túc đến nỗi những sạp vải, quần áo may sẵn khi mua phải xếp hàng, thì nay khá ế ẩm.

Nhất là những ngày nghỉ lễ, mua sắm thường nhiều hơn ngày thường, nhưng theo một tiểu thương “năm nay khách cũng bình thường như mọi khi”. Thực trạng này không chỉ ở chợ xã, chợ huyện mà còn ở chợ tỉnh.

Chợ Vĩnh Long có khoảng 1.800 hộ cố định và khoảng 200 hộ bán “di động”. Ngoài những quầy mua bán những mặt hàng không còn “hợp thời” như đèn ống khói, thuốc rê phải “đóng sạp”, thì những mặt hàng thông dụng hơn như quần áo may sẵn, điện gia dụng… cũng ế nhệ.

Có nhiều nguyên nhân, ngoài việc ra vào chợ không thuận tiện, nhiều chợ xuống cấp dơ bẩn… thì hiện có nhiều “kênh” mua bán hiện đại như: cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay “chợ mạng” đã thực sự lấn át chợ truyền thống.

Theo đánh giá chung về mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh của Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) qua đề tài: “Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, cho thấy so với chuẩn về dân số, hệ thống chợ Vĩnh Long có khả năng đáp ứng yêu cầu so với chuẩn về bán kính phục vụ (vùng bán kính 1.000 m/chợ hoặc 1,5- 2 vạn dân/chợ), đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân.

Tuy nhiên, do phần lớn các chợ hình thành lâu đời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống cấp thoát nước, điện nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu hệ thống bến bãi cho các phương tiện vận chuyển đi lại của người dân.

Một số chợ hình thành trên các tuyến đường giao thông gây mất trật tự an toàn giao thông, vi phạm an toàn về lộ giới và các vấn đề vệ sinh môi trường phòng cháy chữa cháy...

Thực tế, chợ truyền thống bị “kẹt” vào thế khó đã xảy ra nhiều năm nay. Với tiểu thương, nan giải và ảnh hưởng lớn nhất đến tình hình kinh doanh là nhiều người buôn bán tự do, không đóng thuế đã “giành” hết khách chợ lẻ.

Tuy nhiên, nói vậy không phải là “bít cửa” hoàn toàn. Theo nhiều chuyên gia, chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi thế mà tiểu thương cần tận dụng. Ví dụ điểm mạnh nhất đối với hàng hóa tại chợ là sự đa dạng, gần như mọi mặt hàng đều có thể tìm thấy tại chợ, đặc biệt về giá thấp hơn 5-10% so với kênh hiện đại.

Sở Công thương xác định, hệ thống chợ được xem là loại hình thương mại phổ biến và quan trọng nhất trong hoạt động cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, khi Vĩnh Long là tỉnh trung tâm ĐBSCL, giữa 2 trung tâm kinh tế lớn là TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.

Điều này rất thuận lợi phát triển thương mại, trung chuyển mua bán hàng hóa, nhất là nông- thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh đi TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và ngược lại.

Như vậy, việc hiện đại hóa chợ truyền thống là cần thiết, góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình chợ an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng.

Cụ thể, năm 2017 là Chợ an toàn thực phẩm Phước Thọ (Phường 8- TP Vĩnh Long), năm 2018 xây dựng Chợ an toàn thực phẩm Cái Ngang (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) và tới đây là Chợ an toàn thực phẩm thị trấn Tam Bình.

Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng, phát triển khoảng 95 điểm bán thực phẩm đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ hạng I, hạng II.

Sở Công thương cũng đã và đang tiếp tục huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển chợ theo hướng xã hội hóa. Trong đó, tập trung xây dựng hoàn thành các chợ trọng điểm thực hiện Nghị quyết của tỉnh đề ra.

Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh có khoảng 123 chợ, gồm 4 chợ đầu mối nông sản tại TP Vĩnh Long, huyện Tam Bình, Bình Tân và TX Bình Minh; 5 chợ hạng I (chợ trung tâm TP Vĩnh Long, nâng cấp các chợ: thị trấn Trà Ôn, thị trấn Vũng Liêm, thị trấn Tam Bình và phường Cái Vồn - TX Bình Minh); 26 chợ hạng II; 88 chợ hạng III, xây dựng phát triển chợ mới tại các xã chưa có chợ nhưng có nhu cầu.

 
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Chợ - Trung Tâm Siêu Thị