Thương mại tiện ích

Thứ sáu, 31 Tháng 1 2020 10:28 (GMT+7)
Sắp xếp lại các thùng hàng vừa được nhân viên siêu thị chở giao miễn phí tận nhà, chị Nguyễn Xuân Lan ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, vui vẻ nói: “Bây giờ đi mua hàng ở siêu thị sướng lắm, giá cả hàng hóa niêm yết rõ ràng, tha hồ lựa chọn tùy thích. Phụ nữ đi mua hàng nhiều có chở theo con nhỏ cũng không lo vất vả vì có dịch vụ giao hàng tận nơi”.
* Thoải mái mua sắm
 
Người dân thăm quan mua sắm tại LOTTE Mart.
 
Thành phố hiện có rất nhiều trung tâm thương mại và siêu thị để mình lựa chọn. Mỗi khi bạn bè ở xa đến Cần Thơ chơi, chị Lan cho biết, thường đưa bạn đến các trung tâm thương mại: Sense City, Vincom, LOTTE Mart, Big C... những nơi này không chỉ để thăm quan mua sắm mà còn có đa dạng dịch vụ vui chơi giải trí và ăn uống. Có thể xem phim, thưởng thức các món ăn ngon trong và ngoài nước, trẻ em tham gia các khu vực trò chơi dành riêng rất tiện lợi, cha mẹ vừa thoải mái thưởng thức các loại đồ uống ngon, vừa trông con…
 
Không chỉ có nhiều siêu thị lớn và trung tâm thương mại cao tầng, thành phố xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng tiện ích, sẵn sàng chiều chuộng các “thượng đế” khó tính nhất. Cửa hàng tiện ích do các công ty, doanh nghiệp lớn xây dựng và phát triển theo chuỗi hệ thống: Satrafoods, VinMart+, Co.opfood, Bách Hóa Xanh... nhân viên có cung cách phục vụ rất chu đáo. Họ nở nụ cười tươi gởi lời chào quý khách và nồng nhiệt cám ơn khi khách thanh toán tiền ra về. Các cửa hàng tiện ích (còn gọi là cửa hàng tự chọn), khách hàng tự do, thoải mái lựa chọn hàng hóa phong phú chủng loại được ghi xuất xứ, niêm yết giá, trưng bày bắt mắt trong không gian mát mẻ, sang trọng. Nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhạy bén chuyển đổi kinh doanh theo hình thức cửa hàng tự chọn và sẵn sàng cạnh tranh bằng dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách. Theo ông Phan Hiển Đạt, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Ninh Kiều, chỉ trong năm 2019, quận có thêm khoảng 20 cửa hàng tự chọn, nâng tổng số lên hơn 50 cửa hàng. Ngoài không gian dành cho mua sắm, hệ thống cửa hàng tự chọn Circle K còn bố trí nơi để bàn ghế cho khách ăn uống nghỉ ngơi tại cửa hàng. Xu hướng phát triển cửa hàng tự chọn đã giúp giảm áp lực quá tải tại chợ truyền thống, góp phần hình thành thói quen mua bán văn minh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống hàng giả, không rõ xuất xứ”.
 
Tại nhiều quận, huyện ngoại thành, người dân cũng được hưởng thụ tiện ích của thương mại hiện đại. Ông Đoàn Tuấn Về, ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, tâm đắc: “Quận Thốt Nốt đã có siêu thị, bà con tại quận và các xã ở lân cận thuộc huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh dễ dàng đi siêu thị vui chơi, mua sắm”. Ở nhiều vùng nông thôn, hệ thống các cửa hàng tiện ích, nhất là Bách Hóa Xanh đang mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn cho người dân, song hành là những tiện ích từ thương mại điện tử. Người dân có thể lướt web đặt mua hàng và có các shipper giao tận nơi, xem hàng rồi mới thanh toán tiền nên rất tiện lợi…
 
* Không quên chợ truyền thống
 
Trẻ em vui chơi tại khu nhảy bạt nhún ở Trung tâm thương mại Sense City.
 
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Tỷ trọng mua bán hàng tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích ở Cần Thơ đang tăng lên, trước đây 7-10% thì nay đạt trên 17%, thương mại điện tử cũng chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Điều này đã làm đa dạng các kênh mua sắm và mang đến nhiều tiện tích cho người dân. Song, chợ truyền thống vẫn còn giữ vai trò rất quan trọng, chiếm 60-70% lượng mua bán hàng hóa của người dân. Vì vậy, việc phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại được thành phố quan tâm thúc đẩy”.
 
TP Cần Thơ đã kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ đời sống nhân dân và đổi mới diện mạo thành phố. Hiện thành phố có 19 trung tâm thương mại và siêu thị, tăng 9 so với năm 2009. Có hơn 75 cửa hàng tiện ích và dự kiến còn tiếp tục gia tăng nhanh trong thời gian tới. Thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, thành phố thu hút nhiều doanh nghiệp “bơm vốn” vào đầu tư phát triển và vận hành, khai thác chợ. Nhờ vậy, nhiều chợ truyền thống đã có bộ mặt khang trang sạch đẹp, buôn bán theo hướng văn minh, hiện đại. Từ năm 2009 đến nay, có hơn 53 chợ trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp. Tổng số vốn cho đầu tư phát triển các chợ hơn 245,34 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là vốn của doanh nghiệp.
 
Bà Lê Ngọc Lý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, cho biết: “Công ty đã tham gia đầu tư và đang quản lý 3 chợ truyền thống gồm chợ cổ Cần Thơ, chợ Tân An và Hưng Lợi, đồng thời có 1 trung tâm bách hóa, 2 xí nghiệp chuyên doanh thủy sản và gia súc gia cầm.  Công ty đã triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa tại chợ và tập huấn cho tiểu thương về cách trưng bày hàng hóa, kiểm tra về chất lượng hàng hóa, giới thiệu và xúc tiến sản phẩm, thái độ mua bán văn minh lịch sự...”. 
 
Ngoài 107 chợ truyền thống được bố trí khá hợp lý tại các quận huyện, hiện thành phố cũng hình thành được nhiều khu chợ buôn bán hàng hóa và ẩm thực vào ban đêm. Các khu chợ đêm Ninh Kiều, Phố đêm bán thức ăn vặt Hàng Dừa ở gần chợ cổ Cần Thơ  tại Bến Ninh Kiều hay Khu ẩm thực đêm ở gần Công viên Sông Hậu… đã tạo thêm không gian độc đáo để người dân vui chơi mua sắm và thu hút khách du lịch. 
 
Hệ thống hạ tầng thương mại tại Cần Thơ đang đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa và đa dạng tiện ích. Khách hàng là “thượng đế” khi các nhu cầu thăm quan mua sắm gắn với vui chơi giải trí được đề cao, đáp ứng kịp thời, nhanh chóng, tiện lợi bằng cả những nụ cười tươi, lời cảm ơn nồng nhiệt của người bán, sự hài lòng của người mua.
 
Bài, ảnh: Văn Cộng - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Chợ - Trung Tâm Siêu Thị