Nâng cao sức cạnh tranh chợ truyền thống

Thứ năm, 09 Tháng 4 2020 10:36 (GMT+7)
Dù đã có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích nhưng chợ truyền thống vẫn là kênh bán hàng quan trọng ở TP Cần Thơ, chiếm tỷ trọng lớn trong mua bán hàng hóa của người dân. Chợ truyền thống cũng là nơi tạo nhiều việc làm cho người dân bằng nghề buôn bán, góp phần tiêu thụ kịp thời các sản phẩm nông sản Việt và hàng hóa của người dân địa phương. Song, trước sức ép cạnh tranh trong mua bán hàng hóa trên thị trường ngày càng cao, chợ truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh doanh, kém sức cạnh tranh. Cụ thể, như tình trạng chợ còn quá tải, xuống cấp, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo thật tốt, không gian mua bán chật hẹp, hàng hóa bán tại chợ chưa được niêm yết giá đầy đủ, khách hàng đến chợ phải tốn chi phí gửi xe...
Mua bán hàng tại chợ thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ.
 
Hiện nay nhiều chợ đang rơi vào cảnh buôn bán ể ẩm... trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc buôn bán càng khó khăn do ít người đi chợ. Để phòng tránh dịch bệnh, người dân hạn chế đến những nơi đông người. Thay vào đó, nhiều người chọn mua hàng tại các điểm kinh doanh và cửa hàng tiện ích ở gần nhà hay đi siêu thị, mua qua các ứng dụng đặt mua hàng trực tuyến, gọi điện thoại... Với những cách làm như vậy, việc buôn bán của tiểu thương tại nhiều chợ vốn ế ẩm nay sức tiêu thụ hàng hóa còn tiếp tục giảm mạnh hơn. Nhiều tiểu thương tại chợ cho biết, sức tiêu thụ hàng đã giảm ít nhất từ 30-50% so với cùng kỳ năm trước, trong khi mỗi tháng tiểu thương phải chi trả tiền thuê lô sạp, chi phí điện nước, thuế…
 
Nhiều hệ thống cửa hàng tiện ích, nhất là Bách Hóa Xanh đã mở rộng đến hầu khắp các quận, huyện của TP Cần Thơ, đồng thời nhiều hộ kinh doanh cũng mở các cửa hàng mua bán tại nhà và dọc theo các tuyến đường, khu dân cư và giữ xe miễn phí cho người mua hàng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của ngày càng nhiều tiểu thương và những người buôn bán hàng lưu động, sẵn sàng phục vụ tận nhà người dân... Ngoài ra, tình trạng họp chợ tự phát tại một số tuyến đường xung quanh các chợ truyền thống... rõ ràng là một sức ép cạnh tranh quá lớn đối với tiểu thương buôn bán trong các chợ. Xét ở một góc nào đó, tiểu thương tại chợ đang chịu thiệt thòi. Bởi họ là người tuân thủ theo các quy định của Nhà nước về buôn bán đúng nơi quy định, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về đóng thuế, phí và không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè… nhưng lại phải chịu gặp cảnh buôn bán ế ẩm.
 
Cần Thơ hiện có 107 chợ truyền thống được bố trí tại các quận, huyện. Với việc đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, thành phố thu hút nhiều doanh nghiệp “bơm vốn” vào đầu tư phát triển và trực tiếp tham gia vận hành, khai thác chợ. Nhờ vậy, nhiều chợ truyền thống đã có bộ mặt khang trang sạch đẹp, buôn bán theo hướng văn minh, hiện đại. Song, để nâng cao được sức cạnh tranh cho chợ truyền thống và gỡ khó cho tiểu thương, đòi hỏi ngành chức năng và các doanh nghiệp đầu tư khai thác chợ cần xem xét, áp dụng các mức thu phí và thuế phù hợp, nhất là cần có chính sách miễn, giảm  phí và thuế trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đồng thời, cần kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và họp chợ tự phát. Song song đó, cần kịp thời đầu tư, nâng cấp, phát triển các cơ sở hạ tầng gắn với các dịch vụ đồng bộ tại chợ đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, nhất là cần tổ chức giữ xe miễn phí cho người đi chợ. Bố trí khu bán hàng tự tiêu tự sản cho người dân địa phương, tránh tình trạng người dân  nhóm họp bán buôn tại lối đi vào chợ hoặc các tuyến đường gần chợ... cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị...
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Chợ - Trung Tâm Siêu Thị