Ngành chức năng tăng cường nhắc nhở sắp xếp, bố trí hàng hóa ngăn nắp, giữ lối đi thông thoáng tại các chợ.
Nhiều điều cần làm
Đến hẹn lại lên, vào những tháng cuối năm là thời gian cao điểm của ngành chức năng khảo sát lại các chợ trên địa bàn đã đăng ký xây dựng chợ văn minh, kết hợp với tăng cường quản lý, nhắc nhở việc sắp xếp trật tự buôn bán, chuẩn bị cho những ngày mua sắm cuối năm. Năm nay, theo đánh giá của ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, sau đợt khảo sát ở các địa phương, công tác phòng cháy, chữa cháy ở chợ đã được quan tâm thực hiện tốt hơn các năm trước. Sắp xếp các lô, sạp, vị trí bán hàng tương đối ổn định, ngăn nắp. Đa số chợ có bố trí từng khu vực theo ngành hàng rõ ràng, có bảng nội quy, cân đối chứng… theo tiêu chuẩn chợ văn minh.
“Tuy nhiên còn một số chợ các lô sạp bán chưa đúng ngành hàng, tình trạng lấn chiếm lối đi gây trở ngại đi lại, mua sắm vẫn còn tồn tại. Một vài chợ môi trường còn ẩm thấp, thoát nước kém, nhất là khu vực buôn bán thủy sản. Có chợ chưa bố trí được bãi đậu xe, người đi chợ đậu xe tràn ra đường gây mất trật tự, ảnh hưởng mỹ quan, nhất là trong những ngày giáp tết khi lưu lượng xe đông hơn dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn”, ông Nguyễn Vũ Trường lưu ý thêm sau khi khảo sát tại các chợ truyền thống.
Là 1 trong 6 chợ loại 1 trên địa bàn tỉnh, hàng ngày chợ Vị Thanh, ở phường III đón số lượng khách hàng đến mua sắm khá đông. Trong dịp tết, chợ luôn mở diện tích lô, sạp tăng cường các mặt hàng theo nhu cầu mua bán. Chợ cũng dành riêng một khu vực bán đồ tự tiêu tự sản để người dân địa phương mang sản phẩm tự trồng đến bán, góp phần tiêu thụ sản phẩm nhỏ lẻ cho bà con. Gọi là chợ nông sản bán “đồ đồng nội”, tuy nhiên trong thời gian qua, một số tiểu thương và người tiêu dùng còn cho biết thêm trong khu vực vẫn có mặt các bạn hàng, tiểu thương kinh doanh mua đi bán lại.
Theo ông Mai Hoàng Tùng, Ban quản lý chợ Vị Thanh, đối với khu vực bán đồ tự tiêu tự sản, dù là nơi bán đồ tự trồng, hầu hết của người dân địa phương nhưng không vì thế mà lơ là việc sắp xếp, bố trí ngăn nắp, giữ vệ sinh và giữ văn hóa trong buôn bán. Trong tuyên truyền cần nhấn mạnh thêm yếu tố bán hàng hóa trung thực để giữ uy tín, đúng nhóm hàng, tạo niềm tin với khách tới mua. Bởi chợ tự tiêu tự sản cũng là một trong những nét độc đáo riêng có ở chợ truyền thống, có tiềm năng phát triển và thu hút du lịch.
Quan tâm hạ tầng chợ
Bên cạnh công tác sắp xếp, ổn định trật tự mua bán, một số chợ còn được sửa chữa, nâng cấp hạ tầng nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua bán của người dân. Sau thời gian triển khai, chợ xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và đưa vào sử dụng kịp trong mùa mua sắm bận rộn nhất trong năm. Chủ đầu tư đã giao diện tích ki-ốt để tiểu thương tiếp nhận. Tùy theo khả năng đầu tư và nhu cầu buôn bán mà có người xây tường gạch kiên cố, có người làm khung thép, cửa sắt hoặc ngăn bằng tôn. Mặt phía ngoài của chợ, có ki-ốt đã được lấp đầy hàng hóa, có căn còn chờ lắp cửa, đóng la phông nữa là có thể hoạt động.
Chị Nguyễn Ngọc Linh, bán rau tại chợ Xà Phiên, chia sẻ: Nghe nói không chỉ người bán lâu năm ở đây mà người mới đăng ký khá nhiều, chợ càng đa dạng hàng hóa thì tiểu thương càng mừng, vì sẽ thu hút được nhiều người tới. Như ngoài mặt chợ có tiệm bán linh kiện điện tử, điện thoại, dù mới mở nhưng sáng nào ra ngó thấy cũng đông khách lắm, vì ở đây chưa có tiệm nào, ai cần cũng phải ra chợ huyện, thị xã mới có.
Dù được ngành chức năng quan tâm nhưng việc xây dựng chợ văn minh thương mại còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Hạ tầng chợ cũng là một trong những trở ngại để các chợ có thể hoàn thiện tiêu chuẩn sạch, đẹp, vệ sinh. Trong tổng số 72 chợ trên địa bàn, có 27 chợ do doanh nghiệp đầu tư, còn 45 chợ do Nhà nước đầu tư, nâng cấp, quản lý. Nhiều chợ trong số này đã xây dựng từ lâu, đang trong tình trạng xuống cấp, hệ thống thoát nước kém, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cũng như sinh hoạt của các tiểu thương buôn bán tại chợ. Mặt khác, các điểm bán hàng tự phát mọc lên ở gần khu vực chợ cũng dẫn tới tình trạng cạnh tranh. Trong khi các tiểu thương trong chợ, thuê và đóng phí đầy đủ lại “thất thế” hơn buôn bán tự phát bên ngoài.
Chợ truyền thống vẫn là nơi thu hút đông người tiêu dùng địa phương.
Để chợ truyền thống ngày càng văn minh, sạch đẹp mà vẫn giữ được nét đẹp vốn có và thu hút người tiêu dùng, ngành công thương tỉnh đề ra giải pháp thu hút đầu tư, kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước. Tăng cường kêu gọi đầu tư các chợ đầu mối nông sản, chợ, điểm bán hàng Việt tại khu vực tập trung đông dân cư, khu - cụm công nghiệp. Tại mỗi xã, xây dựng được mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong quản lý, không để tình trạng chợ tự phát lấn chiếm lòng đường, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường, giữ vệ sinh sạch đẹp, bán hàng theo khu vực đăng ký. Các chợ cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên khi khai thác, sử dụng, đảm bảo thích ứng với xu thế phát triển hiện đại đồng thời phù hợp với thói quen mua bán hàng hóa của người tiêu dùng địa phương.
Bài, ảnh: T.NGỌC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)