Công nhân Công ty TNHH dệt Hà Nam (Khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam) vận hành dây chuyền sản xuất sợi. Ảnh: TRẦN LÂM
Hiệu ứng tích cực
Tại EU, Pháp là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam sau Đức và Hà Lan. Giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu dệt may sang Đức và Hà Lan chỉ tăng trưởng bình quân lần lượt 1,2% và 3,4%/năm, riêng thị trường Pháp tăng trưởng tới 7%.
Nhưng từ tháng 3-2020 khi dịch Covid-19 xảy ra ở cả hai nước, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Pháp đã "tuột dốc không phanh" với kim ngạch bảy tháng đầu năm giảm đến 26,3% so cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh đó, EVFTA đi vào thực thi đã cho thấy những hiệu ứng tích cực. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tám tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Pháp đã tăng hơn 19% so cùng chu kỳ trước đó (từ tháng 8-2019 đến tháng 3-2020).
Tương tự với Bỉ là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam tại EU, tám tháng sau khi EVFTA đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang Bỉ dù chỉ tăng gần 4% so cùng chu kỳ trước đó, nhưng cũng đã cải thiện đáng kể so mức giảm 17,7% của bảy tháng đầu năm 2020.
Trong đó, những mặt hàng có thuế suất được giảm về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực đều có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giày mã HS 640411 quý I-2021 đạt 125,4 triệu USD, tăng 35,3% so cùng kỳ năm 2020; của mã HS 640291 đạt 3,5 triệu USD, tăng 281,9%; mã HS 640590 đạt 474 nghìn USD, tăng 904,6%;... Có thể thấy, các DN xuất khẩu giày dép sang Bỉ đã tận dụng rất tốt các cơ hội đến từ EVFTA.
Mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng đã tạo dựng chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Bỉ. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2020, Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp giày dép lớn nhất cho Bỉ với kim ngạch đạt 1,02 tỷ USD. Dự báo thời gian tới, xuất khẩu giày dép sang Bỉ sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan nhờ những ưu đãi từ EVFTA cũng như cầu tiêu thụ tại thị trường này đang hồi phục.
Theo thống kê từ phía Bỉ, nhu cầu tiêu dùng của nước này trong tháng 3 đã tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó riêng tiêu dùng cho hàng dệt may, giày, da trong các cửa hàng chuyên doanh tăng tới 62%.
Đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu
Trong những năm đầu EVFTA có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu vào EU của một số mặt hàng dệt may Việt Nam vẫn còn cao hơn so thuế suất GSP (ưu đãi phổ cập) là 9,6%. Do đó, nhiều DN hiện vẫn lựa chọn cơ chế GSP thay vì EVFTA khi xuất khẩu hàng dệt may sang EU. Tuy nhiên, GSP có hạn chế rất lớn là "ngưỡng trưởng thành", cản trở sự mở rộng của thị phần xuất khẩu. Cụ thể, nếu kim ngạch xuất khẩu của dệt may vào EU vượt quá 14,5% tổng thị phần, chúng ta sẽ bị loại khỏi cơ chế GSP trong ba năm. Mặt khác, những đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam cũng đang có lợi thế vượt trội về ưu đãi thuế quan như Băng-la-đét và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (Everything but Arms - miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí); Pa-ki-xtan được miễn thuế nhập khẩu theo GSP+;...
Tuy nhiên, với EVFTA, tất cả các mặt hàng dệt may Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau nhiều nhất là bảy năm từ khi hiệp định này có hiệu lực. Đến khi đó, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia khác sẽ không còn. Vì vậy, các chuyên gia nhận định, EVFTA sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho ngành dệt may của Việt Nam, giúp gia tăng thị phần xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và giảm thiểu các rủi ro khi nhiều thị trường xuất khẩu khác đang biến động mạnh do ảnh hưởng của các xung đột thương mại. Ngoài ra, theo thống kê, thị phần hàng dệt may Việt Nam mới chiếm tỷ trọng 4,02% và giày dép là 7,6% tại thị trường EU, đồng nghĩa dư địa còn rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội, DN Việt Nam còn phải đối mặt không ít thách thức, nhất là việc đáp ứng QTXX hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Đối với ngành giày dép, hiện 60% nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước vẫn chủ yếu là kêu gọi và phụ thuộc khối đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước với nguồn lực yếu, rất ít DN đủ khả năng đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Tương tự, QTXX cũng là thách thức lớn của ngành dệt may khi công suất sản xuất vải trong nước cũng chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu của ngành dệt may sang EU nói riêng, các thị trường khác nói chung. Dẫn đến, dù kim ngạch xuất khẩu dệt may sử dụng C/O mẫu EUR.1 (hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA) đã có sự gia tăng, nhưng hiện mới chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch, chưa đạt kỳ vọng. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang nhấn mạnh, DN cần đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu để bù cho phần cung thiếu hụt, đáp ứng tốt yêu cầu QTXX, từ đó tận dụng hiệu quả hơn cơ hội từ EVFTA. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp DN chủ động hơn trước những biến động của thị trường, nhất là ở thời điểm dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung như hiện nay.
Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vải và hàng may mặc của Việt Nam sang EU đạt gần một tỷ USD, tăng 12,93% so cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 9,33% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngược lại, chúng ta đã phải nhập khẩu gần 4,4 tỷ USD vải nguyên liệu; trong đó, riêng từ Trung Quốc là 2,68 tỷ USD; từ Hàn Quốc là gần 558,4 triệu USD và từ Nhật Bản là hơn 210,8 triệu USD.(Theo thống kê của Vitas)
THÁI LINH - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)