Chỉ tập trung hình thành doanh nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ và từng bước lớn mạnh, nhưng có một thực trạng chung là các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng “nặng” về kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, vẫn “thờ ơ” với việc đăng ký sở hữu trí tuệ, trong khi tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo rất rõ ràng.
Sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; là một loại tài sản vô hình nhưng có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, thậm chí có thể có giá trị lớn hơn nhiều so với tài sản vô hình. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Phan Ngân Sơn cho biết: Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện, đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong nhóm khởi nghiệp, sinh viên và giới trẻ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thực hiện một số dự án liên quan tới đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, trong đó có dự án nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, vấn đề sở hữu trí tuệ là vấn đề pháp lý đầu tiên mà doanh nghiệp khởi nghiệp cần đặc biệt quan tâm khi đã hình thành ý tưởng và phát triển ý tưởng. Để kinh doanh "an toàn" không vướng mắc, trước khi công khai ý tưởng hay đăng ký kinh doanh để hoạt động, các nhà khởi nghiệp hay doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đăng ký sở hữu trí tuệ cho ý tưởng kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, có thể lựa chọn đăng ký nhãn hiệu, bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp... dưới danh nghĩa cá nhân, để ngăn chặn việc "đánh cắp" ý tưởng cũng như tránh "vướng mắc" hay vi phạm liên quan sở hữu trí tuệ trong quá trình kinh doanh.
Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng gần gấp đôi so với số liệu cuối năm 2015. Nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp phần lớn chưa để ý và quan tâm nhiều đến việc đầu tư phát triển các tài sản trí tuệ và ứng dụng nó trong kinh doanh. Hiện nay, việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp, một số nhận thức không phù hợp về quyền sở hữu trí tuệ, không tra cứu đầy đủ thông tin để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của mình và không xâm phạm quyền đối với tài sản trí tuệ của người khác. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khởi nghiệp xác định không đúng thời điểm để xác lập quyền sở hữu trí tuệ, không làm rõ về sản phẩm, dịch vụ của mình trong chuỗi giá trị liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, không chú trọng việc đăng ký nhãn hiệu...
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tài sản trí tuệ
Tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ cơ bản đã hoàn thiện và thực tế có hiệu quả cao trong việc bảo vệ những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi đăng ký và chi phí đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng thuộc mức rẻ so với nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016, nhằm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn các sáng chế hay giải pháp hữu ích của Việt Nam; hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm làng nghề mang tính quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ xây dựng, triển khai mô hình quản lý, phát triển tài sản trí tuệ cũng như đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước đối với các sản phẩm quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Việt Nam mới chỉ có một số ít trường đại học quan tâm về sở hữu trí tuệ, khi đưa vào chương trình đào tạo một số môn, một số chủ đề về sở hữu trí tuệ. Để nhận thức rõ ràng, chính xác và hiểu sâu về quyền sở hữu trí tuệ, có thể khai thác và ứng dụng những quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ và xa hơn nữa là có ý thức sáng tạo ra các tài sản trí tuệ, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, nhưng hiện nay những việc này lại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, khi ý tưởng kinh doanh lớn mạnh mà vướng phải tranh chấp về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể bị phá sản, đây gọi là những thất bại không đáng có mà doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn toàn có thể tránh khỏi nếu chuẩn bị trước. Do vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: Chính phủ cam kết bảo hộ tối cao quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến và ý tưởng khởi nghiệp bởi đây là tài sản vô hình và vô cùng lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp cần quan tâm đến vấn đề pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để thúc đẩy phát triển, xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng: Vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ đôi khi xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp thường không hiểu và nhận rõ được tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội, cho doanh nghiệp khởi nghiệp về sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong cộng đồng sinh viên và doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi đây là thế hệ "tiềm năng" hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.