Ngày 9-8, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau và các cơ quan chức năng, tình hình sức khỏe của 10 cán bộ bị bỏng trong vụ một gia đình dùng xăng chống đối đoàn cưỡng chế thi hành án xảy ra tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau hôm 7-8 đã ổn định.
Riêng một cán bộ bị thương nặng nhất (bỏng độ 2) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cũng đã ổn và đang hồi phục tốt. Cơ quan CSĐT Công an huyện Cái Nước vẫn đang tạm giữ 3 người để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ, đồng thời truy tìm, vận động 2 người đang bỏ trốn ra trình diện.
Chống đối quyết liệt
Như đã thông tin, vào khoảng 9 giờ ngày 7-8, tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, đoàn cưỡng chế thi hành án của huyện Cái Nước tiến hành cưỡng chế căn nhà rộng 67,5 m2 của gia đình ông Phạm Hoàng Kiếm và bà Lê Thị Hiến theo bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật để giao đất cho người được thi hành án thì vấp phải sự chống đối quyết liệt của người nhà ông Kiếm. Đỉnh điểm là người trong nhà tạt xăng vào lực lượng tham gia cưỡng chế rồi châm lửa đốt khiến 10 người bị bỏng. Ngoài ra còn có 3 người trong đoàn cưỡng chế bị thương nhẹ bởi hung khí gây ra.
Hiện trường vụ chống cưỡng chế thi hành án ở Cà Mau vào ngày 7-8
Theo thông tin của cơ quan thi hành án, trước khi tiến hành cưỡng chế, thành phần cưỡng chế tiếp tục động viên, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện tháo dỡ nhà trên diện tích 67,5m2 để chuyển giao quyền sử dụng đất cho người được thi hành án. Kết quả động viên, thuyết phục không thành công.
Sau khi bàn bạc, chấp hành viên chủ trì quyết định công bố quyết định cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế thì xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên.
Những cán bộ bị tấn công được nhanh chóng dập lửa, đưa đi cấp cứu. Lực lượng công an khống chế được 5 người chống đối, còn 2 người trốn thoát.
Các cán bộ bị nạn đã ổn định sức khỏe
Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước, cho biết trước khi cưỡng chế thi hành án, cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động và đề nghị cho gia đình ông Kiếm mượn căn nhà tình nghĩa trên phần đất 3.000m2 để ở; đồng thời, phía người được thi hành án đồng ý hỗ trợ cho gia đình ông Kiếm 40 triệu đồng nhưng gia đình ông Kiếm không chịu nhận.
Gia đình ông Kiếm yêu cầu cơ quan chức năng xem xét lại việc mua bán đất vì cho rằng có mờ ám của người anh vợ ông Kiếm là ông Lê Vũ Khi. Ngoài ra, họ yêu cầu cơ quan tố tụng cấp trên xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND huyện Cái Nước mà họ bị mất quyền kháng cáo vì để quá thời hạn kháng cáo theo luật định.
Nhiều uẩn khúc
Sáng cùng ngày, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, căn nhà 67,5 m2 của gia đình ông Kiếm đã bị cơ quan chức năng cưỡng chế xong vào chiều 7-8. Chỉ còn lại những mảnh vỡ của bê tông và một phần vách lá... Đây cũng là nơi trú ngụ duy nhất của 6 thành viên của gia đình này.
Căn nhà của gia đình ông Kiếm sau khi bị cưỡng chế xong
Vợ chồng ông Kiếm và người anh vợ Lê Thành Lập đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi "Chống người thi hành công vụ", vài người có liên quan vẫn đang lẩn trốn sự truy tìm của cơ quan chức năng. Người con gái của ông Kiếm là Phạm Thị Phiếm (SN 1990) vừa được cho về chăm con nhỏ đã tất bật lục lọi hồ sơ để khiếu nại về phần đất của gia đình.
Chị Phiếm không giấu nỗi hoang mang trước viễn cảnh cả gia đình rơi vào lao lý vì một phút nông nổi đã gây họa cho nhiều người và bản thân. "Nhà đã mất rồi, tôi phải ở nhờ nhà dì ruột. Cha mẹ thì bị tạm giam, chồng và anh trai thì bỏ trốn, chẳng biết nơi đâu. Tôi có con nhỏ nên được cho về nhưng vẫn lên xuống cơ quan chức năng mấy ngày nay để phục vụ điều tra. Giờ chỉ mong cơ quan chức năng xử nhẹ tay và xem xét lại vụ tranh chấp đất của gia đình", chị Phiếm buồn bã nói.
Cùng bị tạm giữ với cha mẹ để phục vụ điều tra nhưng chị Phiếm được cho về vì có con nhỏ
Theo hồ sơ, phần đất tranh chấp diện tích hơn 4.620m2 có nguồn gốc của cụ Thái Thị Ngà (mẹ bà Hiến). Bà Ngà mất để lại di chúc chia hơn 6.300m2 đất hương hỏa cho 6 người con. Trên đất có phần mồ mả ông bà cùng 2 căn nhà của gia đình bà Hiến và người anh ruột Lê Vũ Khi. Toàn bộ phần đất do ông Khi đứng tên quyền sở hữu.
Qua lời kể của người nhà và hàng xóm, ông Khi làm ăn thất bại, nợ nần nên chuyển nhượng 4.620m2 cho ông Trần Văn Chung và bà Huỳnh Tuyết Mai để cấn nợ. Biết ông Khi bán phần đất trên cho ông Chung và bà Mai, vợ chồng ông Kiếm đã đến gặp ông Khi thì ông Khi giải thích không có bán phần mồ mả và nhà của ông Kiếm, đồng thời hứa lấy được tiền sẽ cho vợ chồng ông Kiếm 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi bán đất, ông Khi đã đi biền biệt và nhắn lại số tiền đã hứa do chủ đất giữ, khi nào giao đất thì nhận tiền. Rồi đến ngày 23-3-2016, ông Chung, bà Mai tiếp tục chuyển nhượng phần đất cho ông Nguyễn Văn Việt (ngụ TP Cà Mau).
Vợ chồng bà Hiến cho rằng ông Khi đã lừa họ để bán đất, bán luôn căn nhà họ đang ở để lấy tiền sử dụng riêng nên không chấp nhận dời nhà, giao đất cho ông Việt. Từ đó, ông Việt khởi kiện vợ chồng ông Kiếm và được TAND huyện Cái Nước xử thắng kiện theo bản án sơ thẩm số 128 ngày 12-7-2018. Bản án này đã có hiệu lực vì đến ngày 10-9-2018, ông Kiếm và bà Hiến mới làm đơn kháng cáo. "TAND huyện Cái Nước tống đạt giấy triệu tập trước 7 ngày xét xử nhưng do cha mẹ tôi đang đi làm thuê ở Phú Quốc (Kiên Giang) nên có đơn xin dời ngày xét xử. Tuy nhiên, ngày 12-7 tòa vẫn xử vắng mặt nên gia đình tôi không hay. Đến khi nhận được bản án thì đã qua tháng 8 nên làm đơn kháng cáo muộn và không được TAND tỉnh Cà Mau chấp thuận"- chị Phiếm kể và cung cấp những văn bản có liên quan cho phóng viên.
Khu đất tranh chấp
Chiều 8-8, tại buổi họp báo, các phóng viên đã đưa ra những câu hỏi về việc quá trình ông Khi bán thửa đất. Cụ thể, vì sao chưa có sự đồng ý của tất cả những người được quyền thừa kế mà ông Khi vẫn có thể thực hiện được thủ tục bán đất cho người khác? Tòa án huyện có thụ lý vụ kiện của bà Lê Thị Hồng Đào (chị ruột của bà Hiến, ông Khi) không? Theo bà Đào thì trước đó TAND huyện Cái Nước đã thụ lý vụ kiện ông Khi làm giả văn bản từ chối thừa kế của bà cùng những người anh em và đã tiến hành hòa giải lần đầu không thành.
Ông Huỳnh Minh Tính, Phó Chánh án TAND huyện Cái Nước, cho biết sẽ rà lại xem cơ quan này có thụ lý vụ án của bà Đào hay không. Còn ông Phạm Phúc Giang cho rằng đây là những tình tiết mới mà ông mới nghe được. Ngoài ra, ông Giang cũng cho biết phần đất ông Khi chuyển nhượng không dính tới phần mồ mả của gia đình nhưng có căn nhà gia đình ông Kiếm đang sống. Cho nên chính quyền địa phương đã đề xuất cho gia đình ông Kiếm mượn phần đất rộng 30.000m2, trên đất có sẵn ngôi nhà tình nghĩa xây dựng cho gia đình chính sách nhưng không ai ở, để tạo điều kiện cho gia đình ông Kiếm an cư và sản xuất. Song, gia đình ông Kiếm quyết không nhận. "Riêng đối với bản án số 128 ngày 12-7-2018 của TAND huyện Cái Nước, chúng tôi đã họp liên ngành, rà soát lại toàn bộ và khẳng định không có sai sót, đúng pháp luật. Việc thi hành theo bản án có hiệu lực là việc phải làm. Còn yêu cầu của gia đình ông Kiếm liên quan đến ông Khi thì phải giải quyết theo vụ án khác. Chúng tôi đã nhiều lần giải thích nhưng gia đình ông Kiếm không nghe", ông Giang nói.