Chiêu trò mới của tội phạm "tín dụng đen"

Thứ sáu, 16 Tháng 8 2019 12:24 (GMT+7)
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đang xảy ra tại nhiều địa phương, gây mất an ninh trật tự, bất an trong nhân dân. Gần đây, “tín dụng đen” xuất hiện nhiều ở nông thôn với thủ đoạn tinh vi để đánh lừa dư luận và cơ quan chức năng.

Nhiều sổ sách, tờ rơi nghi ngờ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” bị công an thu giữ.

Nhiều sổ sách, tờ rơi nghi ngờ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” bị công an thu giữ.

“Tín dụng đen” vươn “vòi bạch tuộc” khắp nơi

Trên thực tế, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính và thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700 %/năm nhằm thu lợi bất chính.

Thống kê của Bộ Công an trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 1.178 vụ án hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 436 vụ với 766 bị can, xử lý hành chính 486 đối tượng. Nhiều nhóm đối tượng từ phía Bắc vào khu vực ĐBSCL hành nghề cho vay lãi nặng, xiết nợ, đòi nợ mang tính chất xã hội đen. Hoạt động của các băng nhóm này rất tinh vi, với nhiều thủ đoạn khó lường.

Cũng từ các hoạt “tín dụng đen” đã xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.

Ngày 12/6/2019, lực lượng Công an TP Vĩnh Long trên đường tuần tra phát hiện đối tượng Hà Quang Huy (ngụ huyện Cẩm Khê- Phú Thọ) đang phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ cho vay nên mời làm việc. Kiểm tra nơi ở của Huy tại Phường 1, phát hiện nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay “thủ tục đơn giản”, sổ ghi nợ và nhiều bịch sơn pha mắm tôm đã được chuẩn bị sẵn.

Trước đó, tại huyện Mang Thít cũng xảy ra vụ án hình sự giữa 2 đối tượng cho vay nặng lãi là Vũ Văn Dương (ngụ huyện An Dương- TP Hải Phòng) và Nguyễn Ngọc Anh (không rõ địa chỉ) với nhóm côn đồ ở địa phương.

Trong số những “khách hàng” của Dương có Nguyễn Phúc Giàu vay 5 triệu đồng với lãi suất 25.000 đ/ngày. Vì “lãi mẹ đẻ lãi con”, Giàu không có khả năng thanh toán nợ nần nên cầu cứu Huỳnh Ngọc Em (ngụ xã Tân Quới Trung- Vũng Liêm) là tay anh chị có tiếng ở địa phương.

Để giải vây cho đàn em, Ngọc Em và một số đối tượng khác lừa Dương và Ngọc Anh vào lò gạch để tra hỏi, đe dọa và ép sử dụng ma túy. Sau khi chạy thoát, Dương và Ngọc Anh đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Tuy Dương và Ngọc Anh là nạn nhân trong vụ án này nhưng hành vi cho vay nặng lãi của họ khiến người dân ở địa phương rất lo lắng. 2 đối tượng này sẵn sàng đập phá tài sản, hành hung con nợ nếu không được thanh toán đúng hẹn.

Thủ đoạn tinh vi

Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long) cho hay, tình hình hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh không phức tạp hơn các tỉnh khác, chủ yếu là phát tờ rơi quảng cáo ở nơi công cộng hoặc vào các quán cà phê chào mời khách hàng.

Tuy nhiên, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất tinh vi, chúng in trên các tờ rơi quảng cáo là dịch vụ “cho mượn” thay vì “cho vay” để đánh lừa người dân.

Tội phạm “tín dụng đen” hoạt động nhiều ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều người khó khăn về tài chính, không thể vay mượn cá nhân hoặc tổ chức nào khác.

Khi sụp bẫy “tín dụng đen” và không có khả năng thanh toán nợ nần, bọn cho vay nặng lãi bắt đầu giở thói côn đồ, sử dụng những hành vi đe dọa, gây áp lực tinh thần như tạt sơn, mắm tôm khiến người dân vô cùng hoang mang.

Khi công an mời làm việc, các đối tượng này đều thừa nhận hành vi đã gây ra nhưng vì không có chế tài để tạm giữ phục vụ quá trình điều tra. Khi được thả ra, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ chuyển đến địa bàn khác hoạt động.

Trước tình hình phức tạp của hoạt động “tín dụng đen”, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Chỉ thị nêu rõ nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn hoặc vì nhu cầu bất hợp pháp nên vay nợ của cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”.

Không ít trường hợp dùng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ xảy ra ở nhiều địa phương.

Chỉ thị cũng quy định rõ việc nghiêm cấm hoạt động tham gia góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ vi phạm pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật