Công dân đến làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã.
Trong đơn gửi đến Báo Hậu Giang, ông Danh L., ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết, 10 năm trước, ông và vợ là bà Nguyễn Thị N. có làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống, vợ chồng ông có 2 con chung và tạo lập được tài sản là một căn nhà xây trên phần đất của bà Nguyễn Thị P. (chị của bà N.). Năm 2017, cuộc sống vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, ông L. bỏ lên Thành phố Hồ Chí Minh để làm ăn.
Năm 2018, ông L. trở về và nộp đơn đến tòa đề nghị ly hôn thì tòa ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa ông và bà N. Phần tài sản là căn nhà xây trên đất của bà P. cả hai cũng chưa phân chia và bà P. một mực không cho ông L. sinh sống tại đây.
Ông L. cho biết: “Giờ đường ai nấy đi, tôi muốn chia căn nhà thì phía bà N., bà P. ngăn cản. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôi đã khởi kiện ra tòa, nhưng rồi không biết kết quả sẽ ra sao?”
Hay như trường hợp của chị Nguyễn Ngọc M., ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, lấy chồng năm 2009, 1 năm sau, chị M. có con. Chị nói chồng làm giấy đăng ký kết hôn nhưng chồng chị chần chờ: “Mắc công quá, tôi có bỏ bà đâu, để từ từ rồi đăng ký”.
Chung sống cùng nhau, lại có con, nội ngoại công nhận, một thời gian sau, chị M. quên bẵng câu chuyện đăng ký kết hôn.
Cuối năm 2018, chị phát hiện chồng ngoại tình. Quá uất ức, chị M. đưa đơn ra tòa ly hôn và yêu cầu phân chia tài sản nhưng tòa không công nhận kết quả hôn nhân giữa chị và chồng. Chị đành phải yêu cầu chia tài sản và chờ tòa giải quyết.
Theo ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, đăng ký kết hôn là sự kiện pháp lý quan trọng vừa gắn kết hai công dân, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp về tài sản cho vợ chồng, con cái sau này… Đây là cơ sở pháp lý rõ ràng, chứng minh mối quan hệ vợ chồng. Đồng thời, khi quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận thì các vấn đề liên quan sẽ được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó, có việc phân chia tài sản của vợ chồng nếu lỡ có xảy ra trường hợp ly hôn.
Thực tế những trường hợp như vợ chồng ông L., chị M. không hiếm. Đến khi cuộc sống vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” thì họ mới thấm thía và tự trách mình đã không thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
Theo ông Đáp, trường hợp hôn nhân không đăng ký kết hôn thường rơi vào những người đã nhiều tuổi, đồng bào dân tộc, hoặc kết hôn từ trước năm 2000. Thời điểm đó, do công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình chưa sâu rộng nên nhiều người thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của việc đăng ký kết hôn; hoặc lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn nên không đăng ký. Hơn nữa, việc làm giấy khai sinh cho con cũng còn dễ dàng nên nhiều gia đình rất chủ quan không cần đăng ký kết hôn tại địa phương.
Còn bà Mạc Thị Chiên, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A, cho biết: “Thực tế thụ lý án tại tòa, chúng tôi gặp không ít trường hợp vợ chồng đã chung sống nhiều năm nhưng không đăng ký kết hôn, có thể do họ thiếu hiểu biết hoặc vì nhiều nguyên nhân khác, nhưng thường các trường hợp này nếu không tự thỏa thuận được thì việc phân chia tài sản tại tòa sẽ khá phức tạp.”
Theo các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành, trường hợp nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Bên cạnh đó, khi có tranh chấp việc phân chia tài sản chung thì các bên phải tự thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì phải khởi kiện ra tòa để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.
Bà Mạc Thị Chiên cho biết thêm, đối với các cuộc hôn nhân không đăng ký kết hôn, việc tranh chấp về tài sản, con cái vẫn có thể giải quyết được nhưng phải mất nhiều thời gian hơn so với cuộc hôn nhân được đăng ký hợp pháp. Đặc biệt, trong trường hợp người chồng vì lý do nào đó mà đột ngột mất thì người vợ không có quyền hưởng di sản thừa kế của chồng… do đó, rất thiệt thòi về quyền lợi.
Theo Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. |