Theo báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua tại Sóc Trăng, hoạt động “tín dụng đen” cũng diễn biến khá phức tạp. Lực lượng công an đã tăng cường rất nhiều giải pháp tuyên truyền, tháo gỡ các tờ rơi, xóa chữ sơn quảng cáo trên cột điện, bức tường… và đẩy mạnh đấu tranh, giải quyết tình trạng này. Đến nay, đã phát hiện 14 vụ, bắt giữ 24 đối tượng (trong đó, Mỹ Xuyên 4 vụ, 7 đối tượng; Châu Thành 5 vụ, 8 đối tượng; Kế Sách 3 vụ, 4 đối tượng và TP. Sóc Trăng 2 vụ, 5 đối tượng); có trên 480 người vay với tổng số tiền trên 4,2 tỉ đồng, lãi suất từ 10% đến 70%, thu giữ 67 triệu đồng và một số tang vật liên quan; thu lợi bất chính trên 250 triệu đồng, đã khởi tố 4 vụ, 4 bị can. Mặt khác, lực lượng công an cũng đã phát hiện và tiến hành xác minh thông tin tình trạng các đối tượng thực hiện “tín dụng đen” lợi dụng công ty cho thuê tài chính để hoạt động, khi làm rõ sẽ có hình thức xử lý phù hợp.
Cần cảnh giác với các tờ rơi có thông tin cho vay tiền nhanh chóng. Ảnh: Đ.H
Để tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với những hoạt động này, ngày 25-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng; tăng cường tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen”…
Nguyễn Văn Phong (tỉnh Ninh Bình) và Nguyễn Văn Thành (tỉnh Ninh Bình) bị Công an TP. Sóc Trăng bắt giữ về hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh: TUẤN KHANH
Trên cơ sở Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND, ngày 3-6-2019 để chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương cùng các tổ chức đoàn thể và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là lực lượng công an chủ động, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, cũng như xử lý nghiêm minh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này.
Đại tá Phan Văn Ứng - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, công an là cơ quan thường trực, tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương triển khai kế hoạch điều tra, nắm chặt tình hình trên địa bàn toàn tỉnh về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nắm tình hình, chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm. Siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở vi phạm. Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để siết chặt quản lý.
Tuyên truyền đến người dân nhận diện các phương thức hoạt động của "tín dụng đen" để phòng ngừa, đấu tranh. Ảnh: NGỌC HẢI
Đặc biệt, lực lượng công an sẽ mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, chú ý trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động. Thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, vỡ hụi, họ... và các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; lập hồ sơ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời, ngành phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần răn đe, ngăn ngừa.
Với tinh thần quyết tâm cao của lực lượng công an tỉnh nhà, cùng sự chung sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tin rằng hoạt động “tín dụng đen” sẽ được ngăn ngừa, đấu tranh và kịp thời xử lý. Góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.