Hệ lụy từ những chiếc loa

Thứ năm, 11 Tháng 3 2021 07:13 (GMT+7)
Tình trạng karaoke, loa thùng (loa kẹo kéo) gây ô nhiễm tiếng ồn từ thành thị đến nông thôn đang làm người dân bức xúc, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ xô xát, ẩu đả, song chế tài hiện nay vẫn còn rất nan giải...
Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án giết người do mâu thuẫn xuất phát từ việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo trên địa bàn huyện Châu Thành A.
 
Mâu thuẫn từ tiếng ồn
 
Trong các buổi họp mặt, tiệc tùng những năm gần đây, nhiều hộ dân sử dung loa thùng để ca hát… Tuy nhiên, việc sử dụng loa để hát karaoke, nhất là vào giờ nghỉ trưa, giờ cao điểm hoặc ban đêm gây rất nhiều phiền toái cho hàng xóm trong nghỉ ngơi, làm việc, học hành.
 
Từ những vấn đề tưởng chừng đơn giản đã kéo theo nhiều hệ lụy vô cùng khó lường, không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn mà còn xảy ra nhiều vụ xô xát đánh nhau gây thương tích, thậm chí là giết người.
 
Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ phạm pháp hình sự bắt nguồn chỉ từ chiếc loa kẹo kéo. Điển hình như vụ “Cố ý gây thương tích” xảy ra vào tháng 8-2020, tại địa bàn huyện Vị Thủy, đối tượng phạm tội đã dùng súng bắn bị thương 1 người hay vụ “Giết người và cố ý gây thương tích” xảy ra vào tháng 7-2020, tại địa bàn huyện Châu Thành A, một đối tượng đã dùng dao đâm làm 3 người bị thương và 1 người chết cũng vì mở loa kẹo kéo hát karaoke gây tiếng ồn.
 
Hiện nay, tình trạng sử dụng loa kẹo kéo để hát karaoke không chỉ diễn ra ở hộ gia đình mà còn diễn ra ở khu dân cư, trong chợ, quán nhậu… Chi phí rẻ, muốn lúc nào cũng có là đánh giá của những người sử dụng dịch vụ này. Nếu như vài năm trước, hình thức hát bằng loa di động chỉ những người bán kẹo kéo sử dụng, đi đến đâu mọi người tò mò hào hứng đến đó. Giờ đây, với mức giá từ 1 triệu đồng, những người có thu nhập trung bình cũng có thể sắm một chiếc loa và tự biểu diễn để… vui nhà, vui cửa.            
 
Ông Trần Văn Nghĩa, người dân ở ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Bà con mình ở quê không có nhiều điều kiện giải trí nên việc ca hát, văn nghệ để thư giãn có thể thông cảm. Tuy nhiên, hát mà âm thanh lớn, một người hát cả xóm nghe, không kể giờ giấc, gây ồn ào, phá giấc ngủ thì không ai chịu đựng nổi”.
 
Thiếu chế tài xử phạt
 
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các cơ quan chức năng kiên quyết hơn trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke gây tiếng ồn sẽ kịp thời ngăn chặn những mâu thuẫn nhỏ phát sinh, ngăn ngừa xảy ra các vụ việc nghiêm trọng hơn.
 
Tuy nhiên, xử lý như thế nào lại là câu hỏi đặt ra cho các cơ quan chức năng do vướng từ những văn bản pháp luật có liên quan. Không chỉ tại Hậu Giang, hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ.
 
Được biết, hiện nay việc xử phạt hành chính về tiếng ồn hiện nay được quy định tại Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Nghị định này quy định việc gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
 
Song, có rất nhiều bất cập trong quy định này, nhất là về mức xử phạt quá thấp, không đủ sức răn đe. Kế đến là quy định về thời gian, rất nhiều trường hợp đối tượng hát vào giờ nghỉ trưa, lại không thể áp dụng nghị định để xử lý. Và cơ sở nào để xác định, tiếng ồn tới mức nào thì bị xử phạt cũng hết sức khó khăn.
 
Theo đại tá Lâm Phước Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, việc ô nhiễm tiếng ồn hiện nay rất dễ nhận biết nhưng để xử lý, xử phạt lại rất khó. Từ trước đến nay, các trường hợp ô nhiễm về tiếng ồn chủ yếu chỉ nhắc nhở và hiện cũng đang thiếu các thiết bị chuyên dụng để xác định được mức độ vi phạm, dẫn đến việc rất khó cho cơ quan chức năng có thể xử lý vi phạm.
 
Còn qua các buổi tiếp xúc cử tri, trả lời phản ánh của người dân về vấn nạn loa kẹo kéo hiện nay, đại diện các ngành văn hóa, môi trường tỉnh cũng cho rằng, để có thể xử lý ô nhiễm tiếng ồn cần có sự phối hợp kiểm tra liên ngành và các thiết bị chuyên dụng để xác định vi phạm. Tuy nhiên, cái khó là khi ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử phạt thì không phải lúc nào cũng ngay thời điểm vi phạm. Vì vậy, nếu có phản ánh của người dân về tiếng ồn thì các cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở là chính.        
 
Có thể thấy, bên cạnh những mặt tiêu cực từ vấn nạn sử dụng loa kẹo kéo hát karaoke thì vẫn còn mặc tích cực của nó, bởi đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của một bộ phận người dân. Song, để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các hệ lụy về an ninh, trật tự từ việc làm trên, người dân cần nâng cao ý thức được việc hát karaoke trong những hoàn cảnh thích hợp, tránh làm phiền mọi người xung quanh; trường hợp nếu có xảy ra mâu thuẫn cần bình tĩnh góp ý, trao đổi hoặc nhờ chính quyền kịp thời giải quyết, không để hậu quả đáng tiếc như những vụ án đã xảy ra. 
 
Bài, ảnh: Đ.BẢO - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật