Tranh cãi vụ xâm phạm quyền “sở hữu công nghiệp” của tôn Phương Nam

Thứ sáu, 28 Tháng 4 2023 11:14 (GMT+7)
Cho rằng Toà cấp sơ thẩm đã xác định "đúng người, đúng tội" nên TAND tỉnh Thái Nguyên đã giữ nguyên án sơ thẩm đối 3 bị cáo, bác đơn kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam
 
Ngày 27-4, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm 30 tháng tù treo với Nguyễn Minh Hưng (SN 1983, ở Thái Bình); 18 tháng tù treo với Lê Văn Hùng (SN 1984, ở Thái Nguyên) và 24 tháng tù treo với Phan Tuấn Anh (SN 1986, ở Thái Bình) cùng về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".
 
Tranh cãi vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của tôn Phương Nam - Ảnh 1.
Các bi cáo tại phiên toà phúc thẩm
 
Theo bản án sơ thẩm TAND huyện Đại Từ (Thái Nguyên), ngày 22-10-2021, công an kiểm tra Công ty sản xuất và thương mại thép Hùng Cường do bị cáo Hùng quản lý và phát hiện 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn của Công ty tôn Phương Nam nhưng không do doanh nghiệp này sản xuất. Do đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.
 
Qua điều tra, cảnh xác sát định bị cáo Hưng là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty tôn Vikor (ở Thái Bình) và Tuấn Anh là nhân viên kinh doanh dưới quyền. Cả 2 còn là cộng tác viên bán hàng cho Công ty Kim khí Thái Bình.
 
Tháng 9-2021, các bị cáo tới huyện Đại Từ, giới thiệu sản phẩm "tôn Phương Nam" do Công ty tôn Vikor sản xuất với "hình dạng giống nhau" song có giá trị thấp hơn trên thị trường. Hùng đã đặt hàng 8 cuộn tôn loại này rồi bị cảnh sát phát hiện.
 
Tại phiên toà sơ thẩm, Công ty Tôn Phương Nam không đồng ý với tội danh trên, cho rằng 3 bị cáo phạm tội "Buôn bán hàng giả". Do vậy, đại diện tôn Phương Nam đề nghị tòa trả hồ sơ, điều tra lại tội danh của các bị cáo cũng như xác định nguồn gốc số hàng giả.
 
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm bác quan điểm trên, cho rằng Viện khoa học hình sự Bộ Công an từng từ chối giám định tiêu chuẩn chất lượng đối với 8 cuộn tôn nên chưa thể xác định chúng có chỉ tiêu chất lượng đạt bao nhiêu % so với Tôn Phương Nam thật. Hành vi của các bị cáo phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
 
Tại phiên toà phúc thẩm, luật sư đại diện cho Tôn Phương Nam đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại tội danh của các bị cáo về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả". Cùng với đó, làm rõ các lời khai mâu thuẫn, các tình tiết bất hợp lý trong việc thay đổi lời khai của các bị cáo.
Cụ thể, luật sư cho rằng lời khai của bị cáo Lê Văn Hùng tại cơ quan tố tụng thể hiện khoảng tháng 8 và tháng 9-2021, bị cáo Hùng có đặt mua của bị cáo Tuấn Anh 2 lần 10 cuộn tôn cũng là hàng giả Tôn Phương Nam về bán để kiếm lời và đã bán hết số tôn trên ra thị trường, bị cáo Hùng biết rõ số tôn mua của bị cáo Tuấn Anh là hàng giả Tôn Phương Nam.
 
Các bị cáo không thay đổi các lời khai trên, điều này thể hiện việc mua bán hàng giả tôn Phương Nam đã xảy ra nhiều lần, trong thời gian dài, và có tổ chức từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng giả song Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét, làm rõ tình tiết quan trọng này.
 
Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng theo các quy định của pháp luật, có thể thấy có rất nhiều yếu tố để xác định hàng giả chứ không phải chỉ căn cứ vào chất lượng hoặc đặt tính kỹ thuật của hàng hóa. Vì vậy, việc Tòa án sơ thẩm có nhận định do không giám định được tiêu chuẩn chất lượng đối với 8 cuộn tôn mạ màu thu giữ của bị cáo Lê Văn Hùng nên Tòa án sơ thẩm không xem xét 8 cuộn tôn mạ màu trên là hàng giả là chưa chính xác, không phù hợp với quy định pháp luật.
 
Đối đáp lại với luật sư của Tôn Phương Nam, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Thái Nguyên, cho rằng việc nguồn gốc hàng hóa, cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập tài liệu và hóa đơn chứng từ tại các công ty Công ty CP Tôn Vikor và Công ty Kim khí Thái Bình, xác định tất cả hóa đơn đầu vào không có tài liệu chứng minh.
 
VKSND cho rằng TAND huyện Đại Từ từng trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ nguồn gốc 8 cuộn tôn song không có căn cứ tiến hành các biện pháp khác với công ty, pháp nhân liên quan thì với vấn đề này. "Vẫn biết làm rõ nguồn gốc rất quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi ích của Tôn Phương Nam nhưng không thể làm gì hơn.
 
Kể cả luật sư đề nghị hủy, điều tra lại thì cũng không thể chứng minh được"- VKSND nêu.
 
Bản án phúc thẩm, đồng quan điểm với đại diện VKSND tỉnh Thái Nguyên. Do đó đã bác kháng cáo của Tôn Phương Nam và tuyên y án đối với các bị bị cáo cùng về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".
 
Sau phiên toà phúc thẩm, đại diện Tôn Phương Nam cho biết doanh nghiệp này sẽ tiếp tục có đơn đề nghị xem xét lại bản án theo trình tự Giám đốc thẩm.
 
 

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật