Vụ năn nỉ CSGT không đo nồng độ cồn: Người đăng video có thể bị xử lý ra sao?

Thứ năm, 18 Tháng 1 2024 17:39 (GMT+7)
Nếu người đàn ông năn nỉ CSGT không đo nồng độ cồn có thể chứng minh mình bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người phát tán hình ảnh còn có thể bị khởi tố
 
Những ngày qua, dư luận xã hội tỏ ra rất quan tâm vụ người đàn ông tự xưng là cán bộ tòa án ở huyện Châu Phú (An Giang) để xin CSGT đừng thổi nồng độ cồn.
 
Mặc dù vụ việc đã phần nào sáng tỏ khi cơ quan chức năng xác định người đàn ông này hiện đang là bảo vệ ở tỉnh Bình Dương (trước đây từng công tác tại đơn vị Tòa án - Thi hành án huyện Châu Phú, đến khoảng năm 2006 thì nghỉ việc), nhưng dư luận vẫn đặt ra câu hỏi ai là người quay video này rồi tung lên mạng xã hội? Mục đích tung lên mạng xã hội để làm gì, và có bị xử lý ra sao?.
 
Vụ năn nỉ CSGT không đo nồng độ cồn: Người đăng video có thể bị xử lý ra sao?- Ảnh 1.
Hình ảnh cắt ra cừ video
 
Để giải đáp thắc mắc này, Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ).
 
Theo luật sư Thăng, việc quay lại video để làm bằng chứng phản ánh những tiêu cực, sai trái là điều cần thiết.
 
Tuy nhiên, nếu vô tư đăng các video này lên mạng xã hội thì đôi khi lại vướng vào vi phạm pháp luật. Lúc đó, ranh giới giữa "đúng" và "sai" lại rất mong manh.
 
Cụ thể, tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý của người đó nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của họ thì bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
 
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, căn cứ Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018, quy định về hình thức tố cáo sai trái, tiêu cực được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp và gửi kèm video tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mới được xem là hợp lệ.
 
Trở ngược lại vụ việc đang xôn xao trên mạng xã hội trong những ngày vừa qua là ông T.H.H (SN 1960; ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) không chấp hành theo yêu cầu của lực lượng CSGT đến 15 lần và vi phạm nồng độ cồn ở mức 1.081 mg/l khí thở.
 
Đây là việc làm không đúng và hậu quả là vào ngày 9-1, ông H. đã phải nộp phạt 7 triệu đồng cùng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hạng A1 trong thời gian 23 tháng.
 
Người đàn ông nêu trên đã nhận thức được việc làm sai trái, đồng thời gửi lời xin lỗi đến TAND huyện Châu Phú và Công an tỉnh An Giang.
 
Vấn đề cần bàn thêm trong vụ việc này chính là việc ai là người đã tung đoạn video này lên mạng xã hội?
 
Hiện nay, không khó để tìm được đoạn video này trên mạng và đa phần đều nhìn rất rõ được khuôn mặt, giọng nói để nhận diện ra đây chính là ông T.H.H. Với nội dung của đoạn video này thì không thể cho rằng đây là hành vi tốt, tích cực được mà ngược lại còn là việc không nên làm vì ảnh hưởng đến cá nhân ông H.
 
Theo phân tích ở trên, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh cần có sự đồng ý của chính cá nhân đó. Nếu sử dụng mà trái với ý chí cá nhân đó thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa ra quyết định buộc người vi phạm thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng và kèm theo đó phải bồi thường thiệt hại và biện pháp xử lý khác theo quy định.
 
Ngoài ra, nếu người trong đoạn video có thể chứng minh mình bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người phát tán hình ảnh còn có thể bị khởi tố thêm về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.
 
 

Bài viết mới nhất của Dich vụ tư vấn - Pháp luật