Những trò lừa khó ngờ của tội phạm mạng xã hội

Thứ ba, 28 Tháng 6 2022 14:38 (GMT+7)
Người dân cần cẩn thận trước các đường link lạ; không nhập mã OTP, mật khẩu vào các trang mạng mà người lạ gửi qua mạng xã hội.
 
Thời gian qua, rất nhiều vụ lừa đảo trên mạng xã hội khiến các nạn nhân rơi vào cảnh khốn đốn, mất tài sản, mất tài khoản mạng xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng nhiều nạn nhân vẫn mắc mưu của tội phạm.
 
Mới đây, chị Bảo Anh (SN 1982, ngụ quận 4, TP HCM) đã chia sẻ trên mạng xã hội khi bị mất fanpage hơn 600.000 người theo dõi. Mặc dù chị đã liên hệ nhiều cách để "xin chuộc" lại fanpage nhưng đối tượng vẫn không đồng ý.
 
"Fanpage là tâm huyết của vợ chồng tôi, chúng tôi bỏ công sức trong nhiều năm để chăm sóc mới được nhiều người quan tâm, theo dõi. Khi tôi thấy một email có đường link, tôi nhấp vào xem thì ngay lập tức bị kẻ gian vô hiệu fanpage và chiếm quyền quản trị. Tôi đã báo cáo lên facebook cũng như tìm mọi cách liên hệ với kẻ hack page nhưng vô vọng. Không còn cách nào khác tôi đành ngậm ngùi làm lại trang mới", chị Bảo Anh chia sẻ.
 
Những trò lừa khó ngờ của tội phạm mạng xã hội - Ảnh 1.
Người dân không nhấp vào đường link lạ tránh bị lừa đảo
 
Một chiêu lừa khác mà những người bán hàng online dễ bị "sập bẫy" đó là kẻ lừa đảo gửi đường link thanh toán tiền mua hàng nhưng khi các chủ hàng nhấp vào thì tài khoản ngân hàng bị "bay màu" ngay tức khắc. 
 
Chị Kim Ngân (SN 1990, ngụ quận 7) chia sẻ câu chuyện mà chị từng gặp phải: "Có một phụ nữ đặt mua 2 hộp sữa bột, cô ta nói tôi nhấp vào đường link thì tiền sẽ vào tài khoản. Tuy nhiên, khi tôi vừa nhấp vào thì điện thoại báo mã OTP, tôi nhập mã vào thì 2 triệu tiền hàng khách vừa chuyển bị mất luôn. Biết bị lừa đảo nên tôi chia sẻ câu chuyện của mình cho các chị em khác để không bị mắc bẫy".
 
Mới đây, Công an TP Thủ Đức đã bắt tạm giam Phạm Minh Nhật (SN 2003) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Qua điều tra ban đầu, Nhật khai nhận thông qua các trang mạng xã hội facebook, instagram để nhắn tin với nhiều người rằng có những đối tượng xấu yêu cầu Nhật hack tài khoản cá nhân của họ.
 
Sau đó, Nhật giới thiệu đang làm dịch vụ bảo mật các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội, có thể giúp đỡ để bảo mật tránh bị chiếm đoạt tài khoản. Tin tưởng, nạn nhân đã đồng ý để Nhật bảo mật tài khoản và cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản mạng xã hội.
 
Lúc này Nhật thay đổi mật khẩu, chặn liên lạc nạn nhân rồi sử dụng các thông tin cá nhân của nạn nhân để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nam thanh niên này buộc các nạn nhân đưa tiền nếu không sẽ xóa hoặc tiết lộ những thông tin nhạy cảm. Do lo lắng, nhiều người đã chuyển tiền cho Nhật.
 
Trung tá Nguyễn Chí Thanh – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM)-  khuyến cáo người dân tuyệt đối không nhấp vào bất kỳ đường link nào được gửi qua tin nhắn, qua email. Bởi vì, trong những link này có thể là các link có mã độc.
 
Nhiều trường hợp chỉ vì nhấp vào các đường link bình chọn hoặc các link "thanh toán tiền mua hàng" mà bị mất quyền truy cập mạng xã hội. Khi đó, các đối tượng sử dụng các tài khoản này để thực hiện hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản hoặc dùng cho mục đích xấu khác.
 
"Người dân cần cẩn thận với các giao dịch trên mạng xã hội cũng như cần cảnh giác với những tin nhắn vay mượn tiền. Cần xác minh đúng người cần giao dịch bằng cách gọi điện hoặc gọi video xác nhận họ là bạn bè, người thân của mình trước khi thực hiện giao dịch trên mạng", trung tá Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Điện tử - Viễn thông - Tin học