Các tài khoản Zalo OA bị thu phí và tài khoản thông thường bị bóp tính năng. Ảnh: Thế Lâm
Trước đó, Zalo đã triển khai các gói cước nhằm thu phí đối với các tài khoản doanh nghiệp, tổ chức (official account - OA) gồm 3 mức: Gói dùng thử 10.000 đồng trong 45 ngày, gói nâng cao 59.000 đồng/tháng và gói Premium (được cho là phổ biến nhất) giá 399.000 đồng/tháng.
Việc Zalo bóp tính năng đối với các tài khoản Zalo thông thường gồm: Giới hạn danh bạ dưới 1.000 liên hệ, không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký, tài khoản thông thường hiển thị tối đa 40 lần/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại; mỗi tài khoản được phản hồi tối đa 40 hội thoại từ người lạ; không hỗ trợ tính năng username; mỗi tài khoản Zalo sẽ chỉ mặc định được 5 mẫu tin nhắn nhanh…
Anh Hùng Sơn (Quận 1, TPHCM) cho biết, không cần phải chờ tới ngày 1.8 mà từ chiều 31.7 khi anh tìm kiếm một tài khoản Zalo cho công việc theo số điện thoại thì hệ thống phản hồi là “bạn đã tìm kiếm quá số lần cho phép. Vui lòng thử lại sau”.
Tuy nhiên, những phản ánh như anh Sơn còn khá ít ỏi, trên thực tế là lác đác. Bởi phổ biến, người dùng Zalo cho việc gọi điện, chat và gửi hình ảnh hơn là để ý đến các tính năng được cho là đang bị Zalo bóp lại.
“Có lẽ người dùng chưa đụng tới các tình huống như tôi cho nên họ cảm thấy đang bình thường, không xảy ra gì. Nhưng như trường hợp của tôi, cảm thấy rất khó chịu khi một tính năng mình vẫn hay dùng thì nay Zalo giới hạn. Tình trạng này nếu cứ lặp đi lặp lại chắc chắn gây ức chế và chán nản cho người dùng và họ sẽ rời bỏ Zalo” - anh Sơn nói thêm.
Chị Kim Bùi (Quận 4, TPHCM) nằm trong số đông trường hợp chưa cảm thấy bị bóp tính năng như Zalo đã công bố. Chị làm việc tại một công ty chứng khoán, thường xuyên chat, gọi điện qua Zalo trao đổi với nhà đầu tư, nhưng có lẽ số khách hàng trong danh bạ không quá lớn cho nên chưa “đụng chuyện”.
“Theo tôi biết thì họ mới giới hạn với tài khoản doanh nghiệp để buộc mua gói cước thôi” - chị Kim Bùi cho hay.
Tương tự, chị Tuyết Mai (làm việc tại một cao ốc ở Quận 3, TPHCM) cũng cho biết, chưa cảm thấy gì từ việc bị Zalo giới hạn.
“Chắc chắn là tôi sẽ không trả cước cho việc sử dụng Zalo vì thứ nhất, tôi còn nhiều lựa chọn khác khá thoải mái. Thứ hai là người dùng hiện cũng đã giúp Zalo kiếm được tiền bằng việc họ phải xem các quảng cáo trên Zalo hằng ngày, xem và tương tác với một số tài khoản OA, vậy thì tại sao còn bắt người dùng thông thường trả phí?” - chị Mai đặt vấn đề.
Việc trả views và trả tương tác của người dùng cho Zalo theo chị Mai phải được xem như là một thứ giá trị giúp Zalo tăng cường giá trị thương mại hóa. Đây cũng chính là điều mà Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác đã thu được từ người dùng cho nên mới để người dùng được sử dụng dịch vụ của họ miễn phí phổ biến như hiện nay.