Đột phá trong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm

Thứ sáu, 22 Tháng 6 2018 14:18 (GMT+7)
(NTO) Dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao” của anh Võ Văn Sơn ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trên toàn quốc (dự kiến trao giải trong tháng 6) cho thấy ngành nuôi tôm ở tỉnh ta đang có những bước đi mang tính đột phá, nhiều công nghệ vượt trội được nông dân áp dụng đã nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tỉnh ta có lợi thế phát triển nghề nuôi tôm với vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tập trung ở xã An Hải (Ninh Phước), xã Phước Dinh; vùng nuôi tôm sú quanh khu vực đầm Nại và vùng nuôi tôm hùm trong lồng bè ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Thời gian qua, nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, hoạt động nuôi tôm có những chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững. Điển hình là các hộ nhân rộng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP từ vài ha vào năm 2013, đến nay tăng lên hàng trăm ha, mang lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng cho nghề nuôi tôm phát triển lên tầm cao mới. Với việc hình thành các vùng nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật dùng lưới che ao nuôi tránh vật trung gian khuêch tán mầm bệnh, xây tường quanh ao chống chế cát bụi, sử dụng máy sục khí liên hoàn, máy cho tôm ăn tự động, nên trong điều kiện thời tiết nắng gió quanh năm tôm vẫn phát triển bình thường.

Nông dân xã Hộ Hải (Ninh Hải) ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm có hiệu quả..

Đối với nghề nuôi tôm hùm cũng có những cải tiến đáng kể, nhất là hoạt động lai tạo, nâng cao chất lượng con giống. Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 650 lồng nuôi tôm hùm, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định, cao gấp 3-4 lần so với nuôi các đối tượng hải sản khác. Phát triển nghề nuôi tôm hùm thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên nguồn giống khan hiếm, giá cao, nên nông dân không có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất mặc dù điều kiện tự nhiên khá thuận lợi. Để chủ động cung cấp giống cho hộ nuôi, một số chủ lồng bè đã nhập tôm giống từ Indonesia về ương thả thành công, tạo thuận lợi cho nhiều hộ mở rộng sản xuất, khai thác lợi thế biển để làm giàu.

Hoạt động nghiên cứu, lai tạo, chuyển giao giống thủy sản đang ngày càng phát triển khi gần đây Chi cục Thủy sản thực hiện thành công đề tài “Ương nuôi tôm hùm xanh giai đoạn giống đến giai đoạn sắp trưởng thành trong bể xi măng” khắc phục được những hạn chế ương nuôi bằng lồng chìm ở vùng biển kín gió như tỷ lệ sống thấp, tiềm ẩn mầm móng dịch bệnh. Kết quả bước đầu của đề án góp phần hướng tới đạt mục tiêu phát triển nuôi tôm hùm bền vững khu vực miền Trung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Theo lộ trình đến năm 2025, ngành Thủy sản hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm trong bể xi măng với năng suất 50-70 tấn/ha; đến năm 2035, chủ động sản xuất thức ăn phục vụ nuôi tôm hùm bền vững.

Những năm gần đây nhờ nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, lai tạo, chuyển giao giống mới đã thúc đẩy nghề nuôi tôm phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Để phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, ngành chức năng, các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chủ động cung cấp con giống, nhân rộng mô hình hiệu quả, tập huấn kỹ thuật nuôi theo chuỗi từ khâu chọn giống, sản xuất, thu hoạch đến liên kết thị trường tiêu thụ.

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản