Gian lận
Ở một vài tỉnh phía Bắc vừa qua xuất hiện tình trạng mua bán giống lúa siêu nguyên chủng (SNC) giá rẻ bất ngờ, từ 16.000-25.000 đồng/kg. Giống lúa SNC giá rẻ hơn giống lúa nguyên chủng thậm chí tương đương với giống lúa cấp xác nhận đến khó hiểu là chuyện lạ. Trong khi ở vùng ĐBSCL, lúa giống bán ra được xem có giá rẻ nhất nước, thì giống lúa SNC của Viện Lúa ĐBSCL bán ra khoảng 40.000 đồng/kg. Cơ quan chuyên ngành đang thẩm định tìm rõ nguyên nhân qua việc mua bán giống này.
Nông dân tìm chọn giống lúa tốt ở Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: HỮU ĐỨC
Những năm gần đây, khi thị trường gạo xuất khẩu tốt dần lên, ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL mở rộng sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, chọn những giống lúa cho phẩm chất gạo tốt, ngon cơm đang được thị trường tiêu thụ tốt. Trên cánh đồng gieo sạ đồng loạt, sử dụng cùng một loại giống hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chuyên canh. Từ đó, một số giống lúa “hàng hiệu” nổi lên, được sản xuất khá phổ biến như: OM4900, OM5451, Jasmine 85, RVT, ST, Nàng Hoa 9, Đài Thơm… Và do nguồn cung không đáp ứng nên đã xảy ra tình trạng gian lận thương mại trong sản xuất mua bán lúa giống.
Tháng 3-2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Cần Thơ và các cơ quan chuyên ngành địa phương kiểm tra và bắt quả tang một công ty ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ đang sản xuất và bán lúa giống giả với hơn 58 tấn đóng nhãn hàng các giống lúa đang bán chạy trên thị trường. Đó là chưa kể công ty này còn 800 tấn lúa chưa đóng gói bao bì và số bao bì in sẵn nhãn mác của các công ty sản xuất lúa giống khác. Công ty này mua lúa thịt bên ngoài giá 6.000-6.500 đồng/kg đem về sơ chế, đóng bao bì bán ra cho nông dân giá 13.000-15.000 đồng/kg.
Tương tự tại Đồng Tháp, vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Tháp kiểm tra đột xuất và phát hiện hàng chục tấn lúa giống nghi làm giả, vi phạm trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng (hạt giống không rõ nguồn gốc, giả bao bì của một số đơn vị khác...) tại một số cơ sở kinh doanh lúa giống trên địa bàn tỉnh. Chung quy, chỉ vì hám lợi, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống gian lận trong mua bán, dù biết rằng nông dân mua về trồng sẽ bị giảm năng suất, phẩm chất lúa gạo giảm sút.
Nhằm hạn chế tình trạng mua bán giống giả, giống kém chất lượng và nhanh chóng đưa các giống lúa sản xuất đúng theo tiêu chuẩn, được kiểm nghiệm trước khi bán ra thị trường cho nông dân sản xuất, thời gian qua, Viện Lúa ĐBSCL đã thực hiện chuyển giao hàng chục giống lúa OM cho các đơn vị đầu tư sản xuất kinh doanh cung ứng giống cho nông dân, mở rộng vùng sản xuất ở ĐBSCL và các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Cách nào ngăn chặn?
“Để quản lý, kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh giống lúa đảm bảo chất lượng cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tôi cho rằng, các cơ quan nông nghiệp tại địa phương đóng vai trò quan trọng nhất. Sở NN&PTNT nắm rõ các hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và câu lạc bộ nông dân. Qua đó tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng và tổ chức sản xuất đi vào nề nếp; hình thành cách thức mua bán, chọn mua giống lúa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã uy tín để nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa”, PGS Nguyễn Ngọc Đệ nói. |
Trước tình trạng sản xuất kinh doanh giống lúa ở ĐBSCL còn “đánh tráo” lúa giống “thật-giả” gây thiệt hại cho nông dân sản xuất, PGS TS Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Tình trạng lúa giống bị làm giả khi nhu cầu những giống lúa đó trên thị trường đang hút hàng và các doanh nghiệp hay hợp tác xã không sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó ở địa phương hiện còn hình thức nông dân tự chia sẻ hoặc mua bán giống không nhãn hiệu hàng hóa. Cách mua bán vận chuyển như lúa thịt nên có thể là kẻ hở gian lận thương mại.
Theo PGS Nguyễn Ngọc Đệ, pháp lệnh giống cây trồng ban hành, thực thi bảo hộ giống lúa có bản quyền. Đó là nền tảng căn bản để chấm dứt thực trạng trên. Theo pháp lệnh giống cây trồng ban hành có quy định tất cả các đơn vị tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải có đăng ký đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Song, quan trọng hơn là vấn đề quản lý, kiểm soát theo hệ thống của Cục Trồng trọt, các Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật ở địa phương nhằm nâng cao chất lượng giống. Trong sản xuất giống, đặc biệt là sản xuất giống lúa phải tuân thủ theo quy trình để đạt tiêu chuẩn theo từng cấp. Đối với các giống lúa được công nhận là giống quốc gia mới được sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Hằng năm Bộ NN&PTNT công bố danh mục giống lúa được công nhận giống quốc gia. Các đơn vị doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký sản xuất, kinh doanh giống nếu đã mua bản quyền hoặc được nhượng quyền sản xuất sẽ đóng mác bao bì để bảo đảm giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và tránh hiện tượng lúa giống bị giả mạo.
Việc các doanh nghiệp mua bản quyền giống lúa nhằm chấm dứt tình trạng “tự tiện” lấy giống sản xuất, kinh doanh, vi phạm bản quyền. Các doanh nghiệp đã mua bản quyền sẽ chịu trách nhiệm về điều kiện sản xuất kinh doanh và có thể nhượng quyền hoặc mở rộng mạng lưới liên kết sản xuất giống với Trung tâm giống cây trồng ở các tỉnh và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất đáp ứng đủ điều kiện. Nếu các đơn vị, cá nhân vi phạm sản xuất kinh doanh các giống của các doanh nghiệp đã mua tác quyền thì sẽ bị kiện.