Chị Ngọc Tuyết với mô hình trồng ổi giống Mỹ
Câu chuyện khởi nghiệp của chị Nguyễn Trần Ngọc Tuyết khiến nhiều người dân vùng đất Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò chú ý bởi sự sáng tạo, ý chí dám làm và quyết tâm, khát vọng làm giàu. Chúng tôi gặp chị Tuyết khi chị đang chăm sóc vườn ổi với công đoạn vào đất, xử lý bao trái để chuẩn bị đón thu hoạch đợt ổi mới.
Chị Tuyết cho biết, từng theo học ngành Kế toán tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp được 3 năm, sau khi tốt nghiệp chị quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp. Gia đình làm nghề nông nên ngay từ nhỏ chị Tuyết có cơ hội được tiếp thu nhiều kiến thức canh tác ổi. Trước khi lập nghiệp, chị cũng mày mò nghiên cứu sách, báo về kỹ thuật trồng ổi. Đầu năm 2015, bắt đầu khởi nghiệp với mảnh đất 13.000m2 của gia đình, chị chọn trồng loại ổi giống Mỹ để chăm sóc bởi loại cây trồng này có giá bán phải chăng, dễ tiêu thụ.
Quá trình trồng ổi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên yêu cầu cơ bản là việc xử lý côn trùng, nắm bắt các loại sâu bệnh, điều chỉnh cách bón phân cho phù hợp. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm xử lý cho ra hoa, đậu trái và thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên vườn ổi của chị bị thiệt hại đáng kể. Sau những lần thất bại, chị luôn tự động viên mình: “Ai cũng gặp trở ngại ngay lần đầu khởi nghiệp, khi thất bại phải rút ra được kinh nghiệm để làm tốt hơn”. Qua nhiều lần thử nghiệm, chị Tuyết nhận thấy, để trồng ổi đạt năng suất cao, ngoài đòi hỏi về giống tốt, nguyên liệu sạch thì yếu tố kỹ thuật chăm sóc cũng quyết định quan trọng vào việc thành hay bại của vụ mùa.
Chị Nguyễn Trần Ngọc Tuyết: “Dẫu biết rằng con đường còn dài, nhưng tôi tin, từ sự tử tế trong mục đích kinh doanh của mình sẽ có ngày mình đi đến thành công”. |
Theo chị Tuyết, giống ổi lai của gia đình chị trồng có khả năng sinh trưởng rất khỏe, tái sinh cao, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết, trái to và sai, cho thu hoạch quanh năm. Dựa vào những ưu điểm này, chị Tuyết áp dụng quy trình điều khiển cây ra hoa và đậu trái theo ý muốn thông qua biện pháp bồi bổ dinh dưỡng cho cây sau mỗi vụ. Ngoài ra, để ổi cho thu hoạch quanh năm, chị thường xuyên đốn tỉa sau mỗi lần thu hoạch trái; cắt bỏ các cành già cỗi, sâu bệnh, các ngọn cành mới thu hoạch trái, tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Từ đó giảm thiểu sâu bệnh gây hại, tăng khả năng ra hoa, đậu trái...
Chính vì áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, vườn ổi giống Mỹ của chị Tuyết luôn cho trái to và độ thơm ngọt hơn hẳn sản phẩm cùng loại. Hiện nay, ngoài cung ứng sản phẩm ổi trái, chị Ngọc Tuyết còn cung ứng ổi giống ra thị trường. Nhằm nâng cao giá trị nông sản, chị Tuyết còn nghiên cứu làm ra các sản phẩm chế biến từ ổi như: gỏi ổi, nước ép ổi...
Sau thời gian đầu khó khăn, đến nay, trang trại trồng ổi giống Mỹ của chị Tuyết cho ra thị trường khoảng 90 tấn trái/năm; mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng. Sản phẩm ổi giống Mỹ của chị Ngọc Tuyết đã có mặt tại các tỉnh: Trà Vinh, TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, TP.Hồ Chí Minh... Chia sẻ về tương lai, chị Ngọc Tuyết cho biết sẽ chủ động đăng ký thương hiệu “Ổi Phước Thùy” và áp dụng thêm nhiều biện pháp kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, đồng thời sẽ chủ động xây dựng trang trại trồng ổi kết hợp du lịch sinh thái...
Con đường tới thành công của chị Nguyễn Trần Ngọc Tuyết đang dần định hình. Chị Tuyết cho biết, sau nhiều lần tham gia Phiên chợ xanh tử tế, hội chợ nông nghiệp Xanh, điều tâm đắc nhất mà chị học được chính là phải làm nông nghiệp một cách thật tử tế. “Dẫu biết rằng con đường còn dài, nhưng tôi tin, từ sự tử tế trong mục đích kinh doanh của mình sẽ có ngày mình đi đến thành công” - chị Tuyết tâm sự.