Để giải quyết thực trạng đó, Trường ĐH Trà Vinh đã phối hợp với 3 nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn tỉnh thực hiện dự án “Nghiên cứu chọn dòng phân ly bốn tổ hợp lúa thuần thích nghi với mặn, hạn và giàu dinh dưỡng”.
Đại diện nông dân tham gia dự án báo cáo tạo mô hình
Chủ nhiệm dự án, TS Nguyễn Thị Phương Thúy, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, ĐH Trà Vinh cho biết: “Từ một cá thể SHT chịu mặn, hạn, phèn vượt trội được phát hiện chúng tôi cho lai với giống lúa TC16 có năng suất cao, ra tổ hợp con lai có năng suất cao và chống chịu hạn, phèn mặn tốt hơn được thừa hưởng từ giống lúa bố mẹ.
Độ mặn cây lúa chịu được nhưng vẫn cho năng suất tốt là từ 3 - 5 phần ngàn. Dự án cũng đã tìm ra được 3 tổ hợp con lai khác có đặc điểm chống sâu bệnh tốt và dinh dưỡng rất cao. Điển hình như tổ hợp con lai của giống lúa TC26 (Jasmine x lúa hoang dã: Tân Châu, An Giang) x lúa Nhật gạo đen (sưu tầm ở Tiền Giang) có khả năng kháng đạo ôn, rầy nâu rất tốt, khả năng nở bụi rất cao, bình quân 17,3 chồi/bụi”.
Chia sẻ về một số đặc tính tốt của tổ hợp con lai của giống lúa TC16 x SHT chịu mặn, ông Nguyễn Văn Dững (63 tuổi), nông dân thực hiện án cho biết: “Từ vụ đông xuân 2016 - 2017 tôi thực hiện lai tạo lúa cho trường. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng khoảng 90-95 ngày, chịu hạn rất tốt. Đặc biệt chúng tôi không xịt thuốc trừ sâu để lựa chọn ra được giống lúa chống chịu sâu bệnh tốt nhất”.
Đánh giá giống lúa lai từ tổ hợp TC16 x SHT chịu mặn tại buổi tham quan đầu bờ, ông Trần Thanh Hải, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú nói: “Tại huyện Trà Cú những năm gần đây công tác thủy lợi được đẩy mạnh, vùng ngọt hóa nhiều. Diện tích gieo trồng cây lúa hàng năm dao động từ 10.000 - 11.000ha, tùy vụ. Tuy nhiên vẫn còn có những vùng nhiễm mặn, phèn hay khô hạn. Đợt xâm nhập mặn năm 2016 làm cho một số cây trồng giảm năng suất. Nay đến tham quan mô hình tôi thấy giống lúa này phù hợp tại nhiều vùng của huyện Trà Cú cũng như của toàn tỉnh Trà Vinh, có khả năng thay thế được giống lúa SHT đã thoái hóa”.
Đại biểu tham quan đánh giá chất lượng lúa tại mô hình
Chia sẻ về công tác nghiên cứu phát triển cho các tổ hợp giống lúa vừa được chọn tạo, TS. Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết: “Thời gian tới, ĐH Trà Vinh tiếp tục đăng ký thực hiện khảo nghiệm giống quốc gia cho bốn tổ hợp con lai vừa được chọn lọc. Trong đó, chủ yếu là khảo nghiệm vùng sinh thái của từng giống, triển khai sản xuất thử và đăng ký công nhận giống quốc gia để phục vụ người dân".