Trở ngại sản xuất giống cá rô phi

Thứ tư, 22 Tháng 5 2019 09:52 (GMT+7)
(Thủy sản Việt Nam) - Rô phi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Tiềm năng nuôi đối tượng này còn rất lớn, thế nhưng hiện nay, người nuôi gặp thách thức lớn trong triển khai, đó là con giống chất lượng. Việc sản xuất giống cá rô phi trong nước vẫn rất nan giải.

Suất giống cá rô phi còn gặp nhiều thách thức 

Nhu cầu bức thiết

Theo Tổng cục Thủy sản, cá rô phi là một trong những đối tượng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu của ngành thủy sản. Năm 2018, cả nước có 30.000 ha và trên 1,2 triệu m3 lồng nuôi cá rô phi, đạt 255.000 tấn. Tiềm năng nuôi và chế biến cá rô phi hiện còn rất nhiều, song để phát triển phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lại gặp không ít khó khăn, nhất là chuyện thiếu nguồn giống chất lượng cao, kháng bệnh.

Tại khu vực phía Nam, 70% đàn cá bố mẹ có dấu hiệu thoái hóa, tốc độ sinh trưởng chậm, đặc biệt là giống chịu mặn; còn ở khu vực phía Bắc thì thường thiếu giống vào mùa đông. TS Kim Văn Vạn, Phó trưởng Khoa Nuôi trồng thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, hiện tại khu vực phía Bắc còn rất ít cơ sở sản xuất giống cá rô phi (Trại cá Yên Lý, Nghệ An; Trung tâm chọn giống cá rô phi Quảng Nam - Viện Nghiên cứu NTTS I) do các cơ sở sản xuất giống cũ không còn phù hợp do tốc độ lớn chậm, trong khi cá rô phi giống mới (dòng Đường Nghiệp lớn nhanh) nên các cơ sở sản xuất giống khó duy trì để phát triển mà chủ yếu nhập giống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch; vì thế con giống khó kiểm được dịch bệnh nên đã “nhập” thêm cả bệnh mới như bệnh do virus TiLV trên cá rô phi năm 2017 được Cục Thú y phát hiện.

Doanh nghiệp vào cuộc

Hiện nay, mặc dù giá cá rô phi giống Trung Quốc, Đài Loan đắt gấp đôi Việt Nam, song với sự vượt trội về khả năng tăng trưởng và kháng bệnh nên nhiều người nuôi cá rô phi ở nước ta vẫn ưa chuộng. Thậm chí có hộ sử dụng 100% cá giống Trung Quốc cho mỗi vụ.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Khánh, Công ty TNHH De Heus cho rằng: “Đơn giản là bởi vì chất lượng giống của họ tốt hơn. Chỉ có thể dừng nhập tiểu ngạch khi mình có con giống chất lượng tốt hơn”. Cũng theo ông Khánh, việc nhập giống cá rô phi từ Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro. De Heus hiện đang thử nghiệm con giống cá rô phi mới nhằm cung cấp cung ra thị trường.

Trong một nỗ lực tương tự, Tập đoàn Mavin cũng đang đưa ra cá rô phi bố mẹ thế hệ chọn giống mới nhất theo tính trạng sinh trưởng nhanh, tỷ lệ fillet cao và kháng bệnh; Ứng dụng các kỹ thuật di truyền, công nghệ chọn giống mới nhất (chọn giống gia đình, genomics và transcriptomics). Kết hợp với các viện nghiên cứu, trại sản xuất giống triển khai chương trình chọn giống tại Việt Nam.

Được biết, Viện Nghiên cứu NTTS I, II cũng đã và đang thực hiện nhiều chương trình chọn giống cá rô phi tại Việt Nam như: Chương trình chọn giống nâng cao tăng trưởng (1998 - 2008); Chương trình chọn giống nâng cao tăng trưởng trong môi trường nước lợ (2006 - 2012); Chương trình chọn giống nâng cao tăng trưởng trong môi trường nhiệt độ không tối ưu (2011 - 2013); Chương trình chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng đang triển khai (2018 - 2021); Chương trình chọn giống cá rô phi dòng GIFT; Chương trình chọn giống cá rô phi đỏ (2008 - 2016); Ứng dụng di truyền phân tử trong công tác chọn giống cá rô phi…

Với những nỗ lực từ phía các viện, trường, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng trong tương lai gần Việt Nam sẽ giải được “bài toán” về chất và lượng giống cá rô phi, để biến tiềm năng thành thế mạnh thực sự, chứ không phải mãi mãi chỉ là “đánh thức tiềm năng”.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có trên 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá rô phi; trong đó có 50 cơ sở nuôi giữ cá bố mẹ với khoảng trên 1 triệu cá thể, sản xuất trên 1,2 tỷ cá rô phi bột, trên 500 triệu con giống, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nuôi hiện nay
 
Phương Ngọc - (báo Thủy sản Việt Nam)
T/h: Viễn Linh - (dongbang.vn)

 

 

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản