Giá thanh long giảm 10.000 đến 15.000 đồng/kg so với tháng trước
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cây ăn quả chủ yếu là chanh và thanh long. So với những tháng trước thì hiện nay, giá chanh và thanh long giảm nhẹ.
Diện tích cây chanh toàn tỉnh là 9.487ha, đạt 90,2% kế hoạch (10.500ha), bằng 103,7% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, diện tích chanh cho trái là 7.419ha, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa.
Hiện, giá chanh giảm so với tháng trước. Cụ thể: Giá chanh có hạt từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, giảm 4.000 – 6.000 đồng/kg; chanh không hạt từ 15.000 – 23.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg.
Riêng cây thanh long, toàn tỉnh có 11.029,4ha, đạt 102,1% kế hoạch (10.800ha), bằng 116,4% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, diện tích cho trái khoảng 8.242,1ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, TP.Tân An,...
Hiện, giá thanh long giảm so với tháng trước. Cụ thể: Giá thanh long ruột trắng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, giảm 8.000 – 12.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg. Tuy giá có giảm nhưng nông dân vẫn có lãi.
Theo ông Nguyễn Văn Cang (ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ), hiện, giá thanh long có giảm so với thời gian trước nhưng với giá này, nông dân cũng có lãi nhưng không cao. Tuy nhiên, điều mà ông lo lắng là liệu thời gian tới, giá thanh long có giảm xuống nữa không và nông dân có gặp phải cảnh được mùa mất giá nữa hay không.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân giá các loại cây ăn quả giảm mạnh ở thời điểm thu hoạch chính vụ, thậm chí giảm giá trong mùa nghịch là do các địa phương mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ồ ạt, không theo quy hoạch làm cho sản lượng dư thừa.
Mặt khác, phần lớn diện tích trồng chưa áp dụng các quy trình sản xuất sạch như GlobalGAP, VietGAP; chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, chế biến thực phẩm;... dẫn đến tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm mỗi khi trái cây xuất khẩu gặp khó.
Giá chanh giảm từ 4.000 - 7.000 đồng/ kg so với tháng trước
Để cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An – Nguyễn Chí Thiện cho biết, ngành đang đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cây ăn quả nhằm phục vụ xuất khẩu và bảo đảm phát triển bền vững.
Theo đó, ngành Nông nghiệp tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất thanh long, chanh; tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và đầu ra sản phẩm. Khuyến cáo không mở rộng diện tích ở những vùng không nằm trong quy hoạch, không bảo đảm đủ điều kiện sản xuất. Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất giống, bảo đảm đúng giống, giống chất lượng khi đưa vào sản xuất; vận dụng, hệ thống và đề xuất một số chính sách hỗ trợ nhà vườn cùng các doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến thanh long, chanh.
Ngoài ra, đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất và tiếp tục thành lập mới, nâng cao năng lực các hợp tác xã, các tổ liên kết sản xuất hiện có. Đồng thời, tỉnh mời gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm với hình thức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trái cây; tăng cường hơn nữa trong xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho chanh và thanh long./.