Ông Lê Công Lý (giữa), Bí thư Huyện ủy Châu Thành, tham quan mô hình rau thủy canh của anh Nghĩa.
Vườn rau thủy canh của anh Nghĩa thực hiện được 3 tháng nay, với 7 loại: xà lách, cải, dưa leo babi giống Hà Lan… Trong đó, 5 loại xuất xứ từ Mỹ và 2 loại trong nước, có khả năng chịu nhiệt cao. Tuy nhiên, thời điểm này anh chưa xuống giống tập trung nên số lượng không đủ cung. Bình quân mỗi ngày anh xuất bán 40-50kg, chủ yếu phục vụ khách đặt mua qua mạng xã hội. Theo anh Nghĩa, ưu điểm của phương pháp trồng rau thủy canh là sau khi thu hoạch, người trồng có thể sản xuất lại vụ mới mà không bị ảnh hưởng, năng suất thu được rất cao. Rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn nên giảm đáng kể việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm cho ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Được biết, qua học tập kinh nghiệm ở các nơi, anh Nghĩa quyết định đầu tư gần 600 triệu đồng để xây dựng nhà màng, với hệ thống giàn thủy canh, tưới nước tự động, diện tích hơn 400m2. Các thiết bị từ nhà kính đến hệ thống thủy canh được thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động, giúp quy trình chăm sóc trên hệ thống được đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt nhất. Mô hình trồng rau thủy canh là mô hình sản xuất nông nghiệp mới ở huyện Châu Thành. Thời gian tới, ngành chức năng huyện sẽ có những chính sách hỗ trợ mô hình này để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, mở rộng đầu tư. Đồng thời, giúp các nông hộ đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết hợp phát triển sản phẩm du lịch vườn rau sạch tại địa phương.