Trên mạng xã hội vẫn còn rao bán tôm hùm đất đông lạnh vì cho rằng không gây hại. Ảnh chụp màn hình ngày 23-5-2019.
Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất 1 đơn vị là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I được cấp phép nhập loài tôm này về nghiên cứu. Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, tôm hùm đất bị cấm tại Việt Nam do chúng không có giá trị kinh tế cao, thậm chí có thể phá hoại mùa màng nếu quản lý không tốt. Sau khi nghiên cứu, Viện đã đưa ra khuyến cáo không phát triển loại tôm này ở nước ta từ nhiều năm nay. Với đặc tính ăn tạp, tôm hùm đất thích nghi tốt với môi trường. Theo nghiên cứu, tôm hùm đất phát tán có thể mang mầm dịch bệnh nấm tôm, vi-rút gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng. Nguy hiểm hơn là tôm hùm đất đào hang như cua có thể gây hại hệ thống kênh mương, gây vỡ và sạt lở bờ đập, ao nuôi cá tra…
Sau một thời gian yên ắng, gần đây, tôm hùm đất lại được rao bán rầm rộ trên thị trường và các mạng xã hội. Đáng chú ý, hầu hết tôm hùm đất trên thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam và được bán với giá trên dưới 300.000 đồng/kg. Chỉ trong vòng 1 tuần của tháng 5-2019, tỉnh Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ nhập lậu với gần 1 tấn tôm hùm đất và tiêu hủy lập tức. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh thành, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Khi phát hiện tôm hùm đất phát tán ra môi trường, cơ quan chức năng phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt. Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường cũng gửi văn bản đề nghị các Cục Quản lý thị trường địa phương chốt chặn đường mòn, lối mở, điểm tập kết thu mua thủy sản tại các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và Quảng Ninh... ngăn tôm hùm đất xâm nhập.
Tại TP Cần Thơ, dù không rầm rộ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn có một số quán ăn, nhà hàng kinh doanh món tôm hùm đất, có cả nơi bán tôm sống và thu hút một lượng khách hàng bởi sự hiếu kỳ “ăn cho biết”. Trước thông tin cấm kinh doanh, hiện một số quán ăn, nhà hàng ngưng phục vụ món tôm hùm đất với lý do không có nguồn hàng. Tuy nhiên, trên mạng xã hội hiện vẫn còn bán tôm hùm đất vì cho rằng chỉ cấm bán tôm hùm đất sống còn loại cấp đông không ảnh hưởng. Hiện nay, dư luận đang có luồng ý kiến trái chiều về vấn đề này. Phần đông ý kiến cho rằng, cần xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh tôm hùm đất dưới mọi hình thức và không nên “vì miếng ăn” mà để loài sinh vật ngoại lai xâm nhập phá hoại sản xuất nông nghiệp, rút kinh nghiệm từ bài học ốc bươu vàng. Bởi theo quy luật cung-cầu, sẽ dẫn đến tình trạng nuôi lậu tôm hùm đất cung cấp cho người dùng. Tuy nhiên, một bộ phận lại cho rằng, kinh doanh tôm hùm đất dạng cấp đông sẽ không gây hại cho môi trường…
Theo Thông tư 35/2018/BTNMT có hiệu lực từ tháng 2-2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định tôm hùm đất thuộc danh mục 19 loài ngoại lai xâm hại có khả năng lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa, phát tán mạnh hoặc gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển ở Việt Nam. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có nhiều quy định về khung hình phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Cụ thể, hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt với mức phạt thấp nhất từ 20-40 triệu đồng (đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10 triệu đồng). Khung phạt tiền cao nhất đối với hành vi này lên tới từ 920 triệu đồng đến 1 tỉ đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230 triệu đồng đến dưới 250 triệu đồng.
Việt Nam đã có nhiều loài động, thực vật ngoại lai xâm lấn, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để, điển hình là ốc bươu vàng tại miền Tây. Với những cảnh báo về mối nguy hại của tôm hùm đất cho sản xuất nông nghiệp, mong rằng ý thức xã hội được nâng lên, tương lai chúng ta sẽ không phải huy động lực lượng tiêu diệt tôm hùm đất...